Quan tâm hơn nữa công tác đầu tư, quản lý, sử dụng trang thiết bị, dụng cụ y tế trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 07/06/2013
​Trong những năm qua, việc đầu tư trang thiết bị, dụng cụ y tế (TTBDCYT) đã được UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị và địa phương quan tâm, hàng năm đều bố trí một phần ngân sách (cả 03 cấp) để thực hiện việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng của ngành y tế và mua sắm TTBDCYT, nhằm đáp ứng nhiệm vụ y tế trên địa bàn. Vì vậy số lượng TTBDCYT hiện có tại các cơ sở y tế công lập cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

​    Trong 03 năm, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh đã thực hiện đầu tư mua sắm TTBDCYT cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn với số tiền 398.885 triệu đồng. Trong đó, mua sắm TTBDCYT cho 17 cơ sở y tế công lập, thông qua 113 gói thầu với số tiền là 263.769 triệu đồng; mua sắm TTBDCYT phục vụ cho công tác chống dịch và dự án trang thiết bị y tế y học cổ truyền là 32.839 triệu đồng; các cơ sở y tế tự trang bị thông qua quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp cùng với việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách huyện là 102.278 triệu đồng. Bên cạnh việc đầu tư mua sắm TTBDCYT bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tại 09 cơ sở y tế công lập gồm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất; Bệnh viện Đa khoa khu vực Xuân Lộc; Bệnh viện Nhi Đồng Nai; Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành; Bệnh viện huyện Xuân Lộc; Bệnh viện Đa khoa Dầu Giây; Bệnh viện huyện Trảng Bom và Bệnh viện huyện Tân Phú có thực hiện mua sắm một số TTBDCYT hiện đại như Máy CT Scanner - 128 lát cắt; hệ thống máy xạ trị; hệ thống máy gia tốc tuyến tính; máy CT mô phỏng; máy Spect…bằng nguồn huy động cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đơn vị đóng góp và vay của tổ chức tín dụng để đầu tư và liên kết với số tiền 171.280 triệu đồng. 

BS Hoan giai trinh.jpg
Bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế giải trình một số nội dung
cụ thể tại buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh ​
 

     Việc mua sắm TTBDCYT tế bằng nguồn vốn huy động cán bộ, công nhân viên tại một số bệnh viện đóng góp trong thời gian qua đã tạo ra một số mặt tích cực: Trích nộp 25% lợi nhuận vào quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư, qua đó giảm được một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước; nhân dân được tiếp cận TTBDCYT hiện đại mà trước đây ở tuyến Trung ương mới có; đội ngũ y bác sỹ của tỉnh có thêm điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, tạo tâm lý an tâm công tác của đội ngũ y bác sỹ tại đơn vị. Qua đó, ngành y tế có thêm điều kiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Về căn cứ pháp lý, quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm các TTBDCYT được các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng với quy định hiện hành của Nhà nước. Một số đơn vị có quy định về quy trình mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với thực tế hoạt động của đơn vị và đúng với quy định của UBND tỉnh về phân cấp thẩm quyền mua sắm, quản lý tài sản của Nhà nước, như: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất…Về căn cứ pháp lý, quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm TTBDCYT bằng hình thức huy động cán bộ, công nhân viên đóng góp được các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định về chủ trương, thẩm quyền phê duyệt đề án, lựa chọn đối tác, lựa chọn trang thiết bị theo quy định tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

     Việc quản lý và tính hao mòn trang thiết bị, dụng cụ y tế được các cơ quan, đơn vị căn cứ thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Trong sử dụng TTBDCYT, các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ bản tốt việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa kịp thời. Cơ bản các TTBDCYT được các cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả. Các cơ sở y tế công lập phát huy tốt hiệu quả sử dụng TTBDCYT thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng, di chứng cho bệnh nhân. Ở tuyến cơ sở, việc sử dụng hiệu quả các TTBDCYT đã góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giảm tải cho các tuyến sau và giảm chi phí cho nhân dân và xã hội.

     Bên cạnh kết quả đạt được, việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập trong thời gian qua còn một số hạn chế như: UBND tỉnh chưa có quy định về đầu tư TTBDCYT tối thiểu cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập ở các tuyến (tỉnh, huyện, xã) để làm cơ sở phân kỳ đầu tư phù hợp và đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; Việc thực hiện đầu tư TTBDCYT tại tuyến cơ sở (huyện, xã) trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, chú trọng đúng mức đến điều kiện về nhân lực sử dụng thiết bị. Vì vậy, tại một số địa phương có tình trạng TTBDCYT được trang bị nhưng không được sử dụng do chưa có người sử dụng, phải điều chuyển đến đơn vị khác sử dụng. Mặt khác, việc đầu tư TTBDCYT tại tuyến cơ sở chưa được kết hợp với việc đào tạo y bác sỹ sử dụng, dẫn đến tình trạng ở một số cơ sở khám, chữa bệnh có một số TTBDCYT sử dụng ít, chưa thật sự hiệu quả; Việc đầu tư một số TTBDCYT hiện đại thông qua hình thức huy động vốn của cán bộ, công nhân viên đóng góp tại một số bệnh viện đã mang lại hiệu quả nhất định, nhưng việc xây dựng đề án chưa đảm bảo theo quy định về hình thức sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh giữa cơ sở y tế công lập và các tổ chức, cá nhân để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế; Việc đầu tư máy siêu âm ở tuyến xã phù hợp với quy định chuẩn quốc gia y tế cấp xã, nhưng chưa được ngành y tế phê duyệt danh mục nên không được Bảo hiểm xã hội thanh toán dịch vụ đối với người tham gia bảo hiểm y tế. Thực tế khảo sát tại Trạm y tế xã Phú Ngọc, huyện Định Quán nhận thấy: Ở Trạm có sử dụng máy siêu âm phục vụ cho công tác khám, điều trị bệnh cho người có bảo hiểm y tế nhưng không được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán dẫn đến tình trạng rất hạn chế bệnh nhân được sử dụng thiết bị này do phải thanh toán kinh phí; Việc điều chuyển TTBDCYT giữa các đơn vị để phát huy hiệu quả sử dụng đã được ngành y tế quan tâm thực hiện từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương vẫn còn tình trạng sử dụng TTBDCYT chưa thật sự hiệu quả nhưng chưa được kịp thời xử lý; Tại một số bệnh viện do thiếu bác sỹ chuyên khoa nên có một số TTBDCYT chưa được đưa vào sử dụng, như: Máy nội soi, trang thiết bị phòng mổ tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Cửu. Việc sử dụng máy siêu âm tại các trạm y tế xã còn hạn chế do bác sỹ chưa được đào tạo nâng cao tay nghề;…

anh Tu KL cuoc hop.jpg
Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư phát biểu kết luận  

     Qua giám sát về việc đầu tư, quản lý, sử dụng trang thiết bị, dụng cụ y tế và công tác xã hội hóa TTBDCYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2012, Thường trực HĐND tỉnh có những kiến nghị đối với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành quy định và thực hiện một số nhiệm vụ để khắc phục những hạn chế, trong đó có nội dung Nghị quyết số 99/2007/NQ-HĐND ngày 07/12/2007 về Đề án phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, TDTT, dạy nghề, dân số, gia đình trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 đã hết hiệu lực, vì vậy UBND tỉnh cần nghiên cứu, rà soát, xác định nội dung, sự cần thiết trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới về xã hội hóa hoạt động y tế, tạo điều kiện cho ngành y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

                                                                                  Quang Huy