Quan tâm hơn việc “Giữ mối liên hệ với cử tri” của đại biểu HĐND

Đăng ngày: 17/06/2013
​Khi đề cập đến nhiệm vụ giữ mối liên hệ với cử tri của đại biểu HĐND, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND, quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương.”, “Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc hoặc theo chuyên đề” hoặc “có thể trực tiếp gặp gỡ cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm”

​     Trong thời gian qua, đại biểu HĐND liên hệ với cử tri chủ yếu vẫn là thông qua 04 đợt tiếp xúc cử tri tại địa bàn ứng cử trước và sau kỳ họp thường lệ. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh Đồng Nai đã đưa nội dung tiếp công dân vào hoạt động bắt buộc, thường xuyên của các đại biểu, Tổ đại biểu. Trong thời gian tới, HĐND tỉnh tiếp tục đưa nội dung TXCT nơi cư trú vào hoạt động TXCT hàng năm của các đại biểu. Việc đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri đã giúp đại biểu có thêm điều kiện thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của người đại biểu, đồng thời, kịp thời nắm bắt được những nguyện vọng, kiến nghị của cử tri. 

     Là những người được cử tri tín nhiệm bầu ra để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nên người đại biểu phải xem việc giữ mối liên hệ với cử tri là trách nhiệm - có tính chất bắt buộc theo luật định và cũng là một sự tự đòi hỏi, tự giác và thân thiết của mỗi đại biểu dân cử. Vì vậy, ngoài các buổi tiếp xúc cử tri theo định kỳ, mỗi đại biểu phải tạo được mối liên hệ thường xuyên với cử tri bằng nhiều hình thức, như: tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư; tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi sinh sống; gặp gỡ cử tri qua các buổi họp dân phố, qua các cuộc khảo sát, giám sát tại hiện trường; lắng nghe ý kiến cử tri qua báo chí; trao đổi qua thư, điện thoại….

DSC01574.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh và thành phố Biên Hòa lắng nghe ý kiến
của người dân tại buổi tiếp xúc​
 

     Để thực hiện tốt việc liên hệ với cử tri, bản thân mỗi đại biểu cần thường xuyên tự trau dồi, cập nhật, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ tài liệu, nội dung phát biểu trước cử tri theo từng vùng dân cư cho phù hợp; biết lắng nghe, tiếp thu và giải trình được những kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực phụ trách hoặc liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND. Đối với tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi cư trú, tiếp công dân cần phải có tham mưu của Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để kịp thời giải đáp những kiến nghị cử tri ngay tại buổi tiếp xúc. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp tỉnh hoặc cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ thì đại biểu phải nghiêm túc thiếp thu, nghiên cứu và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời cử tri theo luật.

     Hiện nay quy trình trả lời ý kiến, kiến nghị còn mất nhiều thời gian (từ 3-4 tháng). Nhiều vấn đề bức xúc mà cử tri phản ánh cần giải quyết gấp, nhưng khi quay lại trả lời cho dân không còn tính thời sự và đôi khi trả lời của các cơ quan chức năng không đúng trọng tâm vấn đề cử tri kiến nghị nên đại biểu HĐND khi tiếp nhận thông tin cũng không thể giải thích thấu đáo cho cử tri. Điều này dễ gây tâm lý thất vọng, thiếu tin tưởng của cử tri đối với đại biểu, với cơ quan công quyền.

     Để khắc phục những vấn đề trên, HĐND cần có quy định cụ thể cho việc trả lời, thời hạn trả lời và trách nhiệm chuyển ý kiến trả lời đến cử tri giữa hai kỳ họp. Mỗi Tổ đại biểu HĐND cần trực tiếp phân loại và gửi về Thường trực HĐND đúng thời hạn quy định để Thường trực kịp thời tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng trả lời. Đồng thời, Tổ đại biểu phải phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đại biểu trong Tổ đại biểu theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan. Nếu chưa nhất trí với trả lời của các cơ quan chức năng thì đại biểu phải tiếp tục kiến nghị, hoặc đưa vấn đề ra Tổ đại biểu, kiến nghị Thường trực HĐND có giải pháp tác động, hỗ trợ giám sát quá trình giải quyết của các cơ quan, tổ chức. 

     Ngoài các quy định về mặt pháp lý trong việc tiếp nhận và trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, mỗi đại biểu phải tự gắn trách nhiệm của mình trong việc phân loại, gửi các ý kiến kịp thời, đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị việc trả lời cho cử tri bảo đảm sát, đúng với nội dung cử tri kiến nghị trong thời gian sớm nhât.

     Thực hiện tốt việc liên hệ thường xuyên với cử tri, không chỉ giúp đại biểu kịp thời tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của cử tri, mà qua đó còn giúp đại biểu có thêm những thông tin quan trọng, những ý kiến đóng góp thiết thực trong việc xây dựng các chính sách, chế độ sát đúng, phù hợp, đề ra các giải pháp khả thi; giúp đại biểu tự tin hơn trong quá trình thông qua Nghị quyết tại kỳ họp và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

                                                                                     Thu Hiền