Người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Đăng ngày: 17/06/2013
​Ngày 30-11-2012, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với tổ chức Handicap International (H. I) và một số sở, ngành của tỉnh tổ chức diễn đàn “Người khuyết tật chia sẻ vươn lên” nhân kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật 3-12. Đây là lần đầu tiên, trên 150 người khuyết tật toàn tỉnh có cơ hội được giao lưu, chia sẻ sự nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên. Ghi nhận từ diễn đàn cho thấy: người khuyết tật đã nỗ lực rất nhiều để vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống.

​     Những nỗ lực vươn lên

    Chị Nguyễn Thị Kiều Giang, Chủ tịch Hội người mù huyện Trảng Bom chia sẻ bài học vươn lên của chính mình và những người trong hội. Năm chị Giang vừa tròn 10 tuổi thì đột nhiên sau một cơn sốt nặng, chị không còn nhìn thấy ánh sáng. Chị cho biết: thú thực phải mất hai năm sau tôi mới lấy lại được cân bằng và tôi nghĩ, mắt tuy không nhìn thấy nhưng mình còn rất nhiều ưu điểm khác cần phải phát huy…Thế là chị tích cực tham gia sinh hoạt hội người mù của huyện, tham gia các chương trình văn nghệ, tham gia dự các kỳ liên hoan, các hội thi dành cho người khuyết tật và dành nhiều huy chương vàng ở các hội diễn. Chị còn là Chủ tịch Hội người mù mẫu mực, chăm lo cho hội viên của mình, liên hệ với Công ty TNHH Tuico lấy hàng gia công cho 30 hộ gia đình hội viên làm có thu nhập ổn định; 1 tổ hội viên làm nghề mát xa gồm 25 em có thu nhập tự nuôi được bản thân. Không chỉ vậy, chị còn có một người chồng sáng mắt yêu thương chân thành, có cậu con trai và căn nhà là tổ ấm sau mỗi giờ làm việc mệt mỏi. Phương châm sống của chị là phải nỗ lực vươn lên sẽ có hạnh phúc!

DSC09827.jpg
Lãnh đạo sở LĐ-TB&XH và H.I chụp hình với những người khuyết tật tiêu biểu​ 

     Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, bị liệt cả hai chân nhưng hiện thầy đang làm giám đốc Công ty tư vấn giáo dục Thân Thiện Mỹ, kiêm giảng dạy các kỹ năng mềm cho thanh thiếu niên chia sẻ: tôi bị bại liệt khi mới hai tuổi, những tưởng cuộc đời đã khép lại với mình. Năm tôi khoảng 8 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa được đến trường tôi chỉ ước ao được đi học, khát khao cháy bỏng của tôi rồi cũng được cha mẹ đáp ứng. Dù bị liệt cả hai chân, khó tránh khỏi sự tò mò nhiều khi còn trêu chọc quá đáng của bạn bè, tôi đã nỗ lực học tập và luôn đạt kết quả cao trong lớp… được thầy cô quý trọng, bạn bè nể phục. Thầy Tuấn luôn tâm niệm, khuyết tật chỉ giống như một căn bệnh mà ai mắc thì phải chấp nhận, chứ không nên mặc cảm. Từ suy nghĩ như thế, thầy Tuấn đã học rất nhiều ngành nghề, từ Mỹ thuật, Đông y, chuyên khoa nhi, tâm lý, công nghệ thông tin… Qua nhiều thời gian công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, gần đây thầy chính thức mở Công ty tư vấn giáo dục Thân Thiện Mỹ, nhằm tư vấn, giảng dạy kỹ năng mềm cho thanh thiếu niên. 

Người khuyết tật cần tự tin trong cuộc sống

     Theo sở LĐ-TB&XH, Đồng Nai hiện có trên 23.000 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, chiếm 0,93% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là tật vận động (51,8%), còn lại các dạng tật khác. Người khuyết tật hiện vẫn còn rất khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt, học tập văn hóa, học nghề, việc làm và hòa nhập cộng đồng…Thời gian qua, thực hiện các chính sách về người khuyết tật, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chương trình, kế hoạch giúp đỡ người khuyết tật như hỗ trợ giáo dục, y tế, dạy nghề và giải quyết việc làm, văn hóa thể dục thể thao và nhiều hoạt động trợ giúp tích cực khác. Đã có 746 lượt trẻ khuyết tật được đến trường; 1.341 lượt trẻ khuyết tật được khám bệnh và phục hồi chức năng; tổ chức chữa bệnh và phầu thuật miễn phí cho trên 5.585 lượt trẻ khuyết tật; hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho các trường dạy nghề cho người khuyết tật; giới thiệu việc làm cho trên 500 người khuyết tật vào các doanh nghiệp và nhiều hỗ trợ tích cực khác. Tổ chức phi chính phủ H.I đã hỗ trợ 700 triệu đồng cho người khuyết tật làm kinh tế, học nghề và đi học tập kinh nghiệm.

DSC09813.jpg
Người khuyết tật chia sẻ tại diễn đàn​ 

     Bản thân người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên đã có 1.600 người mù được trợ giúp vươn lên; Hội người tàn tật vươn lên huyện Xuân Lộc đã tạo việc làm cho hơn 100 lượt hội viên có thu nhập ổn định; nhiều người khuyết tật đã vươn lên đạt thành công trong cuộc sống…Tuy nhiên, qua kết quả điều tra người khuyết tật cho thấy hiện nay họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ việc tiếp cận các chính sách xã hội, các công trình công cộng, dịch vụ y tế, giáo dục hay việc học nghề, tạo việc làm…

      Theo thầy Tuấn thì người khuyết tật thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp hay nói đúng hơn là thiếu kỹ năng mềm để vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, chủ yếu là 3 kỹ năng: giao tiếp, nhận thức vấn đề và ra quyết định. Do vậy, phải trang bị cho họ những kỹ năng này để hạn chế tự ti, mặc cảm vươn lên…

      Nhiều người khuyết tật tham gia diễn đàn đã chia sẻ và mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những diễn đàn để họ được chia sẻ, tìm các giải pháp vươn lên. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, bắt đầu từ năm 2012, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức diễn đàn hàng năm, cấp tỉnh ít nhất 1 lần để người khuyết tật được lắng nghe, chia sẻ những nỗ lực vươn lên, trước mắt người khuyết tật cần tự tin, xóa mặc cảm để vươn lên. Còn ở các địa phương tùy điều kiện để có thể trao đổi, gặp gỡ, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

                                                                                     N. Trinh