Các ao nuôi cá hiện hữu có là nguyên nhân gây ngập úng cho Đập Đồng Hiệp hay không?

Đăng ngày: 17/06/2013
​Cử tri xã Phú Điền, huyện Tân Phú phản ánh việc canh tác 1.600 ha lúa hai vụ ở cánh đồng đập Đồng Hiệp do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai (Công ty) quản lý. Nhưng do công ty cho các hộ nuôi cá thuê diện tích đắp bờ ao làm hẹp diện tích lòng hồ nên khi mưa lớn phải mở đập xả nước làm ngập diện tích của dân canh tác khu vực hạ lưu, khi không mở xả thì làm ngập ao nuôi cá ở thượng lưu. Đề nghị Công ty có giải pháp trả lại diện tích chứa nước của lòng hồ để phục vụ tưới 02 vụ cho cánh đồng. 

​     Qua nội dung trả lời của Công ty đã khẳng định quan điểm, các ao nuôi cá hiện hữu không phải là nguyên nhân gây ngập úng cho cánh đồng Đồng Hiệp do lượng nước trong ao là rất nhỏ so lượng nước lũ tập trung trên lưu vực đổ về.  

     Công trình thủy lợi Đồng Hiệp được xây dựng theo hình thức đập dâng có cửa van điều tiết. Đập có nhiệm vụ thiết kế là ngăn dòng chảy cơ bản của suối Đachà để dâng nước tưới cho diện tích 1.100ha thuộc các xã Phú Điền, Phú Thanh và Trà Cổ. Do phía thượng lưu đập có các dải đất trũng ven suối và một số bàu, nên mỗi khi đóng cửa đập để dâng nước, do điều kiện địa hình thấp trũng, đã tạo thành vùng ngập khá lớn, có diện tích khoảng 500ha không canh tác được, gọi là vùng bán ngập. Như vậy, theo nhiệm vụ thiết kế, công trình thủy lợi Đồng Hiệp là loại hình đập dâng nước mà không phải là hồ chứa nước. Tuy không có tác dụng trữ nước về mùa mưa để tưới về mùa khô như một hồ chứa nước, nhưng vùng bán ngập phía thượng lưu đập Đồng Hiệp cũng có tác dụng một phần trong việc điều tiết nước tưới về mùa khô và cắt lũ về mùa mưa.   

     Năm 1992 công trình thủy lợi Đồng Hiệp được bàn giao từ UBND huyện Tân Phú về cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý. Lúc này đã có các hộ nuôi cá trên vùng bán ngập phía thượng lưu công trình nhưng mới ở hình thức chắn lưới, thả đăng. Năm 2002, khi thực hiện dự án đầu tư nâng cấp đập Đồng Hiệp theo quyết định của UBND tỉnh, do công trình được tháo cạn để thực hiện dự án, các hộ dân đã tự ý cho xe máy đắp bờ tạo ao nuôi cá với quy mô và diện tích lớn hơn. Trước tình hình trên, ngày 13/5/2002 Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai có văn bản gửi Sở Nông nghiệp&PTNT, UBND huyện Tân Phú đề nghị ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng đắp bờ trái phép trong vùng bán ngập thượng lưu công trình đập Đồng Hiệp. Ngày 21/5/2002 Sở Nông nghiệp&PTNT có văn bản số 541 CV/NN&PTNT gửi UBND huyện Tân Phú, Công ty Khai thác công trình thủy lợi. Trong đó có nêu: Theo nhiệm vụ thiết kế xác định công trình thủy lợi Đồng Hiệp là một đập dâng mà không phải là hồ chứa nước.…Việc nghiên cứu lợi dụng tối đa nguồn nước sẵn có trong khu vực công trình để phát triển kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao là một vấn đề cần hết sức chú ý tới. Đối với việc nhân dân các xã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản khu vực thượng lưu đập là hợp lý, song công việc này cần được tiến hành theo một quy hoạch xác định, đảm bảo an toàn cho công trình, bảo đảm tiêu thoát lũ hàng năm và không gây ảnh hưởng tới sản xuất…Việc sử dụng nguồn nước từ công trình để phát triển thủy sản phải được tiến hành ký kết hợp đồng và phải trả thủy lợi phí theo quy định hiện hành. 

     Ngày 30/10/2002 UBND huyện Tân Phú tổ chức cuộc họp gồm đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, các phòng ban chức năng của huyện, chủ tịch UBND các xã: Phú Điền, Phú Thanh và Trà Cổ bàn giải quyết việc quản lý, sử dụng vùng bán ngập trên thượng lưu công trình đập Đồng Hiệp. Cuộc họp kết luận: Đề nghị UBND tỉnh cấp đất chuyên dùng trên vùng bán ngập thượng lưu đập Đồng Hiệp cho công ty Khai thác công trình thủy lợi với tổng diện tích 482,23ha để quản lý đưa vào quy hoạch sử dụng mặt nước tưới cho sản xuất và quy hoạch tổ chức nuôi trồng, khai thác thủy sản và kết hợp du lịch.

     Ngày 16/5/2003, trong Thông báo số 55/TB.UBH kết luận, chỉ đạo cuộc họp giao ban bàn công tác thủy lợi của lãnh đạo UBND huyện Tân Phú có nội dung: Về quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên vùng bán ngập thượng lưu đập Đồng Hiệp, đề nghị trạm Khai thác công trình thủy lợi kết hợp với các xã, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện để thực hiện hợp đồng nuôi trồng thủy sản với các hộ dân, đúng quy hoạch, không ảnh hưởng đến năng lực phục vụ tưới của công trình. Ngày 31/7/2003, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi có giấy ủy quyền số 147/TB.KTTL giao trạm trưởng trạm Khai thác thủy lợi (KTTL) Tân Phú- Định Quán ký kết hợp đồng sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản với các hộ dân trong vùng bán ngập đập Đồng Hiệp, các điều khoản hợp đồng quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người hợp đồng trong việc đảm bảo năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp và an toàn của công trình.

     Với tính chất, loại hình công trình và ý kiến giải quyết của các đơn vị liên quan như trên, Công ty Khai thác công trình thủy lợi ngăn cản các hoạt động đào ao, đắp bờ trên vùng bán ngâp phía thượng lưu đập Đồng Hiệp nếu tiếp tục xảy ra. Đối với những khu vực dân đã tự ý khoanh bao để nuôi thả cá trước đây, nhằm đảm bảo năng lực phục vụ sản xuất và an toàn về tiêu thoát lũ, đồng thời để ổn định đời sống nhân dân, công ty chỉ đạo cho trạm: Những diện tích dân đã khoanh bao và đang nuôi thả cá mà không ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình thì phải đặt cống dưới bờ ao để lưu thông nước trong và ngoài ao, tránh tình trạng trữ nước trong ao gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho sản xuất, đồng thời phải ký kết hợp đồng sử dụng mặt nước theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Ngoài ra không ký kết hợp đồng với bất cứ trường hợp nào xin tiếp tục đắp bờ, đào ao trong vùng bán ngập phía thượng lưu công trình.

     Đánh giá về năng lực cung cấp nước tưới: Công trình đập Đồng Hiệp được xây dựng năm 1977 với năng lực thiết kế ban đầu là cung cấp nước tưới cho 400ha lúa 2 vụ. Năm 2002 công trình được đầu tư nâng cấp với năng lực thiết kế được nâng lên 1.100ha. Trong những năm từ 2006 đến nay, kết quả cung cấp nước phục vụ sản xuất thể hiện qua biên bản nghiệm thu hợp đồng tưới hàng năm và xác nhận của UBND huyện Tân Phú là 1.640 ha lúa 2 vụ, đạt 149% năng lực thiết kế. 

     Năng lực tiêu thoát lũ: Cánh đồng Đồng Hiệp có cao trình tự nhiên thấp và nằm trong vùng ngập do lũ sông La Ngà, hàng năm UBND huyện chủ trương không bố trí sản xuất vụ mùa để tránh lũ gây thiệt hại cho sản xuất. Công trình đập Đồng Hiệp được bố trí 6 cửa van xả lũ, theo quy trình vận hành phải mở toàn bộ vào mùa mưa để tháo lũ, đảm bảo an toàn cho công trình. Hàng năm, vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa, khi mực nước sông La Ngà lên cao làm hạn chế khả năng tiêu thoát dòng chảy từ đập Đồng Hiệp ra sông La Ngà gây ngập úng cho cánh đồng Đồng Hiệp. Đối với các ao nuôi cá trong vùng bán ngập, lượng nước trong ao là rất nhỏ so lượng nước lũ tập trung trên lưu vực đổ về nên không phải là nguyên nhân gây ngập úng cho cánh đồng Đồng Hiệp.  

     Như vậy, sự hình thành các ao nuôi cá trong vùng bán ngập thượng lưu đập Đồng Hiệp không phải do Công ty Khai thác công trình thủy lợi chủ trương cho hợp đồng đào đắp mà do dân tự phát xây dựng trái phép từ khi công trình được tháo cạn để tu sửa, nâng cấp công trình năm 2002. Việc công ty ký kết hợp đồng sử dụng mặt nước với các hộ này là thực hiện ý kiến thống nhất trong quá trình phối hợp xem xét xử lý, giải quyết của các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, nhằm qua đó, quy định các điều kiện để các hộ dân tuân thủ trong quá trinh điều tiết, khai thác các ao không ảnh hưởng đến năng lực và an toàn công trình. Hiện năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp của đập Đồng Hiệp vẫn đạt ở mức cao hơn so với thiết kế.

     Do tính chất công trình là đập dâng nước, dùng dòng chảy cơ bản thường xuyên đến công trình để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng Đồng Hiệp, phía thượng lưu công trình do điều kiện tự nhiên hình thành vùng bán ngập, đây được xác định là phạm vi chuyên dùng cho công trình thủy lợi. Bên cạnh việc khai thác công trình thực hiện nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, việc khai thác tiềm năng tổng hợp mặt nước sẵn có trong khu vực này đề nuôi trồng thủy sản tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân nếu được thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch hợp lý, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính cũng là vấn đề đáng quan tâm. 

     Hợp đồng của công ty với các hộ dân nuôi cá có những điều khoản ràng buộc cụ thể nhằm đảm bảo năng lực phục vụ sản xuất cho công trình Đồng Hiệp. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi đề nghị bà con cử tri cùng tham gia giám sát, giúp công ty phát hiện những trường hợp vi phạm hợp đồng hoặc làm mới các ao nuôi cá làm ảnh hưởng đến năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, thông qua UBND huyện, xã, HĐND các cấp hoặc trực tiếp phản ánh với trạm KTTL Tân Phú - Định Quán - Trực thuộc công ty- để Công ty có biện pháp điều chỉnh. Trường hợp các hộ dân cố tình vi phạm hợp đồng, hoặc tiếp tục làm mới ao cá gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công trình, Công ty sẽ đề nghị UBND huyện Tân Phú có biện pháp phối hợp giải tỏa.

                                                                                 Kim Chung