Chỉ tiêu và giải pháp phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2013 của tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 24/06/2013
​Năm 2013 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; xác định rõ những thuận lợi và khó khăn, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh đã xác định mục tiêu tổng quát của năm là: Phát huy lợi thế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, không ngừng củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

​     Về các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 như sau:

     * Nhóm các chỉ tiêu kinh tế:

     - Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 khoảng 11,5% - 12% so với năm 2012. 

     - GDP theo giá thực tế từ 130.457 tỷ đồng – 131.052 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người từ 47,26- 47,47 triệu đồng, quy dollar từ 2.200 USD đến 2.210 USD. 

     - Cơ cấu kinh tế năm 2013: ngành công nghiệp xây dựng chiếm 56% - 57%; ngành dịch vụ chiếm 37% - 38%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6% - 7%.

    - Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2013 tăng 14% - 14,5% so với năm 2012.

     - Giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ năm 2013 tăng 14,5% – 15% so với năm 2012.

     - Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá cố định 1994) năm 2013 tăng 3,5% - 3,9% so với năm 2012.

     - Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 34.500 tỷ đồng - 35.200 tỷ đồng, chiếm 26,4% - 26,9% GDP.

     - Dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài từ 800 triệu USD - 1.000 triệu USD (bao gồm đăng ký mới và dự án tăng vốn). 

     - Dự kiến thu hút vốn đầu tư trong nước từ 8.000 tỷ đồng – 9.000 tỷ đồng. 

     - Doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh khoảng 8.000 tỷ đồng – 10.000 tỷ đồng (bao gồm đăng ký mới và đăng ký tăng vốn). 

     - Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng từ 12% - 15% so với năm 2012.

     - Tổng thu ngân sách trên địa bàn hoàn thành dự toán Trung ương giao.

     * Nhóm  các chỉ tiêu xã hội:

     - Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2013 dưới 1,1%, quy mô dân số trung bình khoảng 2.760.500 người, trong đó dân số thành thị chiếm trên 37% dân số.

     - Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng trên 1 vạn dân là 260 sinh viên.

     - Số Bác sỹ /1 vạn dân là 6,5 Bác sỹ.

     - Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 23,5 giường bệnh.

     - Phấn đấu 96% trạm y tế có bác sỹ phục vụ ổn định; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

     - Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi giảm còn 11%.

     - Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi giảm còn 27%.

     - Tỷ lệ người dân mua bảo hiểm y tế là 62%.

     - Tạo việc làm mới cho 90 ngàn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46%.

     - Giảm 1,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh.

     - Năm 2013 đạt 88,8% ấp, khu phố và trên 97% hộ gia đình đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, hộ gia đình văn hóa.

     - Tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 99%. 

     *  Nhóm các chỉ tiêu môi trường:

     - Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 98,6%, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,8%.

     - Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 72%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp không nguy hại đạt 95%.

     - 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường.

      - 100% các khu công nghiệp lấp đầy trên 50% diện tích được đầu tư trạm quan trắc môi trường.

     - Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 55,5%, tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định mức 29,76%.

     Để thực hiện các chỉ tiêu nêu trên, năm nhóm giải pháp được xác định cần tập trung thực hiện cụ thể như sau:

     Thứ nhất: Tập trung chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ theo hướng tăng dần tỷ trọng phân ngành có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế so sánh để chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa. Đối với công nghiệp: tập trung chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, thân thiện môi trường; từng bước chuyển từ gia công, lắp ráp sang chế tạo. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chế tạo, điện – điện tử, chế biến thực phẩm sạch…

     Đối với nông nghiệp: Tập trung phát triển các vùng rau sạch, vùng cây công nghiệp và vùng cây ăn trái; ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Phát triển nông sản hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu như cà phê, cao su, hạt điều nhân.... Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyên môn hóa dưới hình thức trang trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nhằm phát triển các ngành nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp.

     Đối với lĩnh vực dịch vụ: Phát triển mạnh và đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm dịch vụ. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, ngành dịch vụ mũi nhọn có lợi thế như dịch vụ vận chuyển, kho bãi, cảng vận, logistics, du lịch, tài chính – ngân hàng, viễn thông – công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học – công nghệ, đào tạo, thương mại.

     Thứ hai: Tập trung thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển bền vững. Vận dụng các cơ chế, chính sách đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để không ngừng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông cần tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường đối ngoại, đường trục, đường vành đai, đường tỉnh, đường liên kết với cảng, với các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ để phục vụ phát triển các KCN, khu du lịch, khu dịch vụ - đô thị nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tỉnh. Tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng kết nối (đầu tư theo phương thức BOT, PPP). Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghiệp sạch thân thiện với môi trường, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị.

     Thứ ba: Tiếp tục thực hiện thu hút, đãi ngộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020. Huy động các nguồn lực cho đầu tư giáo dục, đào tạo và dạy nghề; khuyến khích hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đào tạo lao động cung ứng cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trong đó chú trọng việc phối hợp, liên kết trong đào tạo. Có chính sách hỗ trợ để thu hút và sử dụng nhân tài, chuyên gia cao cấp, nhân lực trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong các ngành, lĩnh vực còn đang thiếu, đến làm việc ở tỉnh được ưu đãi. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động  khoa học và công nghệ. Coi trọng việc tập hợp và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ.

     Thứ tư: Chú trọng giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tập trung đầu tư xây dựng các khu tái định cư, khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp. Tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, chống đầu cơ găm hàng, nâng giá, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là các mặt hàng trong diện bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí, kết hợp với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở các cấp.

     Tăng cường các biện pháp đấu tranh và phòng ngừa trong công tác phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các loại tội phạm, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm pháp luật lao động, vi phạm về đất đai… Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực văn hóa xã hội. Tập trung thực hiện có hiệu qủa các vấn đề xã hội bức xúc như giải quyết việc làm, giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt quan tâm đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

     Thứ năm: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện dự án tổng thể về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 gắn kết với dự án ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020; Kế hoạch 5 năm (2011-2015) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung tăng cường giám sát, quan trắc các nguồn thải; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động cộng hưởng của xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường đối với vùng bảo hộ vệ sinh cấp nước sinh hoạt trên lưu vực sông Đồng Nai. Tập trung bảo vệ môi trường tại các khu vực trọng điểm ở đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, khu vực nông thôn để nâng cao chất lượng và kiểm soát môi trường góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

     Với những dự báo rõ ràng, giải pháp cụ thể và có căn cứ, tin tưởng năm 2013, Đồng Nai sẽ thực hiện hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra.

                  Nguyễn Thị Oanh