Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị

Đăng ngày: 24/06/2013
​Kể từ khi thành lập đến nay, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành bốn bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992. Mỗi bản Hiến pháp đã khẳng định vai trò của mình trong từng giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước. Mặc dù có sự thay đổi, nhưng các bản Hiến pháp đều đánh dấu thời kỳ cách mạng, củng cố về mặt pháp lý những thắng lợi trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và có sự tiếp thu, giữ gìn những nhân tố, hạt nhân thắng lợi của các bản Hiến pháp trước đó. 

​     Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam. 

     Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội  đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

     Ngày 23 tháng 11 năm 2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; theo đó việc lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 02/01/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013. Ngày 28 tháng 12 năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW lãnh đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Chỉ thị phổ biến đến các chi bộ đảng.

     Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

     Để đạt được mục tiêu này, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần đáp ứng các yêu cầu: Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.  Thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng. Hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài. 

     Trên cơ sở các mục tiêu, yêu cầu và quan điểm sửa đổi nêu trên, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đó là: 

     Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân;

    Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; 

    Thứ ba, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn bản chất, vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội;

    Thứ tư, phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân;

     Thứ năm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường;

     Thứ sáu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

     Thứ bảy, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;

     Thứ tám, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế;

     Thứ chín, sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp. 

     Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, 147 điều. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. 

     Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, HĐND cấp tỉnh tổ chức họp chuyên đề thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng của đất nước, cần phát huy tinh thần yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các ngành, các cấp để Hiến pháp sửa đổi lần này thực sự là một bước tiến mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

 Nguyễn Thị Oanh