Tin tổng hợp

Đăng ngày: 25/06/2013
​Tin tổng hợp

​     1. Quy định về miễn giảm học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý

    Ngày 19 tháng 02 năm 2013, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND quy định về mức thu học phí; chế độ miễn giảm học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý từ năm học 2013 – 2014 đến năm học 2014 – 2015. Theo đó, đối tượng không phải đóng học phí là học viên, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp. Đối tượng được miễn học phí, gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Học viên, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã, ấp có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học nghề có hoàn cảnh bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 của Bộ Luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; có cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; Học viên, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 03 tháng trở lên); Học viên, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo. Đối tượng được giảm 70% học phí, gồm học viên, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Đối tượng được giảm 50% học phí, gồm học viên, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cả cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên và học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. 

                                                                                 Thu Hương

     2. Mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

     Theo thống kê điều tra của Sở Giao thông - Vận tải, tổng nhu cầu kinh phí bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh năm 2013 chưa có nguồn kinh phí đảm bảo là trên 310 tỷ đồng. Trong đó, các tuyến đường do tỉnh quản lý là trên 190 tỷ đồng; các tuyến đường do cấp huyện quản lý là trên 119 tỷ đồng. Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hư hỏng, xuống cấp nhiều, gây cản trở khó khăn cho người tham gia giao thông. Nhu cầu kinh phí để duy tu, bảo trì đường giao thông rất lớn, nguồn vốn ngân sách hàng năm chỉ đảm bảo được một phần chi phí. Do đó, việc quy định mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe mô tô nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng đường bộ của người dân và các cơ quan là cần thiết. Căn cứ theo quy định của Thông tư 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp của các huyện và các đơn vị liên quan. Qua ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, UBND tỉnh đề xuất mức thu phí ở mức trung bình theo quy định mức khung thu của Bộ Tài chính: loại xe có dung tích xy lanh đến 100 cm3 là 80.000đ/xe/năm; loại xe có dung tích xy lanh trên 100 cm3 là 120.000đ/xe/năm (gồm xe ba bánh chở hành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép lưu hành); riêng động cơ 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh áp dụng mức thu theo quy định tại Thông tư 197/2012/TT-BTC là 2.160.000đ/xe/năm. Theo đó, mức trích để lại cho các cơ quan thu phí đối với cấp xã là 16%; các phường, thị trấn là 8% để trang trải chi phí tổ chức thu phí theo quy định. Số còn lại cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản của Quỹ bảo trì địa phương mở tại Kho bạc nhà nước.

     Hiện UBND tỉnh đang hoàn thiện đề án để trình HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa VIII. 

                                                                                       Lê Lài

     4. Tình hình nhiễm HIV qua giám sát trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2005-2012

     Dịch HIV/AIDS ở Đồng Nai vẫn ở trong giai đoạn tập trung với tỷ lệ nhiễm HIV cao trong các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm. Hiện nay, dịch HIV tiếp tục được khống chế, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý từ 34,3% năm 2007 xuống 8%  năm 2012 và phụ nữ mại dâm từ 11,58% năm 2006 xuống còn 2,67% năm 2012. Đối với nhóm phụ nữ mang thai, tỷ lệ này giảm rõ rệt từ 0,62% năm 2009 xuống còn 0,12% vào năm 2012, nguyên nhân chính là do trong năm 2009 Đồng Nai triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vì vậy tỷ lệ này tăng lên vì nhiều phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV khi mang thai và khi đến sinh tại các cơ sở y tế. Hành vi lây truyền HIV chủ yếu vẫn là quan hệ tình dục không an toàn và sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy đến năm 2008 tỷ lệ nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm do Đồng Nai đã triển khai chương trình bơm kim tiêm sạch tuy nhiên đây vẫn là hai con đường lây nhiễm HIV chủ yếu ở Đồng Nai. Ngoài ra, tại các nhóm khác như ở nhóm bệnh nhân hoa liễu tỷ lệ nhiễm HIV ổn định trong khoảng từ 1,43% đến 2,5% và năm 2012 tỷ lệ này chỉ còn 0,12%; Nhóm thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quan sự tỷ lệ nhiễm là 0% trong các năm 2011 và 2012. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm HIV mới có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây, trong đó tỷ lệ bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS giảm dần; nguyên nhân là do vài năm trở lại đây Đồng Nai mở rộng chương trình điều trị ARV nên nhiều người nhiễm HIV sẵn sàng bộc lộ danh tính và đồng ý tham gia vào chương trình điều trị ARV, nhiều bệnh nhân có hộ khẩu ở Đồng Nai đang điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh chuyển về Đồng Nai điều trị làm cho tỷ lệ HIV tăng lên. Đặc biệt, hiện nay, người nhiễm HIV không còn tập trung ở một số thành phố lớn và các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung mà đã xuất hiện nhiều ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa...

     Dịch HIV/AIDS ở Đồng Nai nhìn chung đã giảm bền vững từ năm 2006 đến nay, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mới nếu không tiếp tục duy trì các can thiệp dự phòng hữu hiệu trong các nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm và đặc biệt là nhóm MSM. 

                                                                                 Hòa Bình 

     4. Doanh nghiệp đã ổn định sản xuất ngay đầu năm Quý Tỵ

DSC02270.jpg
Lao động làm việc tại một doanh nghiệp ở Nhơn Trạch​ 

     Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tình hình lao động đầu năm 2013 khá ổn định, doanh nghiệp cũng bắt tay ngay vào sản xuất nên không có tình trạng xáo trộn nhiều. Nhu cầu về nguồn lao động đầu năm vẫn có nhưng không gay gắt như những năm trước vì các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị nguồn trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm hàng may mặc, da dày vẫn có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động phục vụ cho việc mở rộng sản xuất. Đối với người lao động, sau thời gian nghỉ khá dài nên rất thoải mái khi trở lại làm việc, nhanh chóng bắt nhịp với công việc được giao. Nhiều doanh nghiệp tại các khi công nghiệp Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom qua báo cáo nhanh cho thấy có từ 92 đến 96% lao động trở lại làm việc sau khi nghỉ tết nguyên đán. Tình hình lao động khá ổn định sau tết quý Tỵ phản ánh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn có chiều hướng tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với CĐCS trong việc chăm lo các phúc lợi cho người lao động nên đã giữ chân được họ. Thêm vào đó, tết năm nay được nghỉ dài nên không còn nhiều người lao động có tâm lý nhảy cóc đi tìm việc mới. Vì thế nên tình hình sản xuất khá ổn định ngay từ đầu năm. 

                                                                                      N.Trinh