Công tác quản lý thị trường đã gắn sát với tình hình chung, tập trung vào những thời điểm trên thị trường có biến động như các dịp lễ, Tết. Xác định đúng tuyến, đối tượng, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, đẩy mạnh công tác trinh sát vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác hành vi, vi phạm. Trong năm 2012, đã tổ chức kiểm tra là 2.486 vụ, giảm 268 vụ so với năm 2011 (năm 2011 kiểm tra 2.754 vụ), trong đó số vụ vi phạm là 2.420 vụ (chiếm tỷ lệ 97% số vụ kiểm tra), đã xử lý 2.378 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách 7.015.342.000 đồng… nội dung vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại của cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp chủ yếu là vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng cấm, hàng hóa giã mạo nhãn hiệu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về VSATTP...
Nhằm bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, ngay từ tháng 10/2012 Chi Cục Quản lý Thị trường đã chủ động xây dựng Kế hoạch về kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Các Đội QLTT cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết phù hợp với địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các Trung tâm thương mại, các chợ, cơ sở kinh doanh về tình hình giá cả, cung cầu hàng hóa, việc chấp hành niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết…và Các Đội QLTT thường xuyên bố trí trực hàng ngày tại Đội (kể cả ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lể, ngày tết) để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra tại địa bàn hoặc theo sự chỉ đạo.
Ông Trần Văn Quang – Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh
phát biểu tại buổi giám sát
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm, công tác giáo dục, phòng ngừa chung cũng được quan tâm thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thương mại đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, như: Chi cục quản lý thị trường đã quan tâm, thường xuyên phối hợp với báo Đồng Nai, Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai thông tin, tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kết quả kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và các vụ điển hình để người dân không sử dụng hàng lậu, hàng giả và hàng gian lận thương mại; thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp tài liệu, tư liệu liên quan quan đến công tác đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; soạn thảo, ghi đĩa VCD cấp phát cho các Đội QLTT phối hợp với Đài phát thanh, Ban quản lý các chợ tuyên truyền về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, các quy định về giá bán hàng hóa dịch vụ (niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức...)…
Ngoài ra, Chi cục QLTT đã thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật liên quan về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí đến công chức trong toàn lực lượng. Đồng thời, tổ chức 11 cuộc phúc tra công vụ, 07 cuộc giám sát, kiểm tra. Qua phúc tra, giám sát hầu hết các cá nhân, đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, của ngành, nội quy quy chế của đơn vị; kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Đội và của từng công chức. Đối với những công chức có dấu hiệu vi phạm lãnh đạo Chi cục đã chủ động điều chuyển đến đơn vị khác công tác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm có thể xảy ra.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi; hoạt động chiết nạp, kinh doanh gas còn diễn biến phức tạp, công tác quản lý đối với hoạt động chiết nạp, kinh doanh gas của các ngành chức năng chưa được quan tâm, việc kiểm tra, kiểm soát chưa sâu, cơ chế chính sách còn lỏng lẻo; Số vụ việc vi phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra chiếm một tỷ lệ lớn so với tổng số vụ đã tiến hành kiểm tra (97%) tuy nhiên, Chi cục quản lý thị trường và các Đội quản lý thị trường trong tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý, chưa tìm ra và phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của những vi phạm để từ đó có những kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND cấp huyện các biện pháp bảo đảm việc thi hành pháp luật và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; Công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật, các vụ việc vi phạm, trao đổi thông tin, phương thức thủ đoạn với các ngành chức năng chưa được thường xuyên, kịp thời; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chống hàng giả, thông tin nắm bắt dấu hiệu hàng giả đối với những mặt hàng mới phát sinh, trang bị các phương tiện để phát hiện vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng còn có mặt hạn chế chưa kịp thời; trong thời gian qua, Chi cục QLTT chưa thực hiện tốt việc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thị trường theo quy định.
Sĩ Tiến