Luật Thanh niên: Những thành tựu và các khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Đăng ngày: 26/06/2013
​Luật Thanh niên đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ 01/07/2006. Quá trình triển khai thực hiện tuy đã gặt hái được nhiều kết quả đáng kể nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

​     Việc triển khai và triển khai thực hiện Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách cho thanh niên, bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của thanh niên được thực hiện; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tổ quốc và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên được nâng lên; các chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên được triển khai thực hiện, một số vấn đề xã hội bức xúc của thanh niên được tập trung giải quyết. Các chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước trong dạy nghề, giải quyết việc làm, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần trong thanh niên đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên ngày càng được nâng cao.

060715 cao diem TNTN (7).jpg
Thanh niên Đồng Nai tích cực hưởng ứng
Chiến dịch mùa hè xanh hàng năm do Tỉnh đoàn phát động​
 

     Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật cũng đã nổi lên một số vấn đề cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới, cụ thể: công tác tuyên truyền, phổ biến việc triển khai Luật của các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, quyết liệt, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về việc chỉ đạo xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cho thanh niên mà Luật đã quy định; các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên còn chung chung, chưa phân định được đâu là quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Thanh niên với tư cách là công dân có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật, vì thế rất khó tách riêng khi đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên; hiệu quả thực thi Luật không cao do Luật không quy định về chế tài bảo đảm việc thực hiện Luật và cơ chế bảo đảm cho thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với việc thực thi quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên mới dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích thực hiện; công tác hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra của các bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện Luật chưa được quan tâm đúng mức và chưa thường xuyên vì thiếu 01 cơ quan quản lý nhà nước giúp chính phủ đôn đốc, theo dõi hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện, nên các đơn vị và địa phương không thực hiện đúng trách nhiệm được quy định trong Luật...

     Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, hạn chế trên là do nhiều quy định của Luật chưa bám sát vào thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của thanh niên hiện nay; công tác quản lý nhà nước về thanh niên còn chậm được xác lập, hoàn thiện và thống nhất (đến tháng 11/2010 mới thành lập bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên từ Trung ương tới địa phương); công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Luật Thanh niên chưa được quan tâm thực hiện; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện Luật chưa đồng bộ.

                                                                              Hòa Bình