Một số kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)

Đăng ngày: 18/07/2013
​Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta về văn hóa. Sau 15 năm thực hiện “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong đời sống văn hóa – xã hội.

​     Thông qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn; tính năng động sáng tạo tham gia xây dựng, hoạt động văn hóa được phát huy mạnh mẽ; nhiều nét đẹp trong đạo đức, trong giá trị văn hóa được hình thành, góp phần hạn chế, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội. Thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn khó khăn được hình thành ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Việc trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được một số kết quả khả quan. Bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân các địa phương có di tích cũng phát huy việc huy động xã hôi hóa trong công tác trung tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản. Sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương đã phát triển sâu rộng, liên tục, khởi sắc; góp phần giảm bớt cách biệt về hưởng thụ văn hóa giữa vùng nông thôn với đô thị. Nhiều tác phẩm, công trình văn hóa có giá trị được thực hiện, giao lưu văn hóa được mở rộng và thường xuyên hơn. Môi trường xã hội lành mạnh, tiến bộ được nâng lên, góp phần đẩy lùi các nếp sống lạc hậu, hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội, cải thiện và nâng cao từng bước mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân và thực sự trở thành một phong trào thi đua yêu nước, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong 15 năm qua.

     Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng văn hóa chưa đồng bộ với kinh tế và chưa thật sự tương xứng với yêu cầu phát triển chung ở một tỉnh đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc. Công tác Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp xã, phường, thị trấn và cấp ấp, khu phố so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra còn chậm tiến độ. Tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa có thể từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nhưng đối với tổ chức, hoạt động xây dựng sự nghiệp văn hóa mới, bảo tồn, khai thác vốn di sản văn hóa truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế về thiết chế, nhân lực, chính sách, nội dung, hình thức ảnh hưởng không ít và kéo dài đối với nhu cầu hưởng thụ cơ bản, sáng tạo văn hóa của các vùng nông thôn, vùng dân tộc, vùng sâu. Về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, nguồn kinh phí phân bổ cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích là khá lớn nhưng tập trung chủ yếu vào các di tích lịch sử có quy mô lớn. Còn lại những di tích khác do kinh phí hạn hẹp nên chỉ đảm bảo trùng tu, tôn tạo để ngăn chặn sự xuống cấp là chính; việc gắn kết các di tích với hoạt động du lịch hiệu quả chưa cao.. 

                                                                                      Đức Thể