Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm

Đăng ngày: 21/08/2013
​Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2013 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là tình hình hoạt động của các băng nhóm có nhiều đối tượng, manh động, liều lĩnh, xem thường pháp luật, sẵn sàng dùng hung khí tấn công nạn nhân hoặc lực lượng chức năng. 

​     Đặc biệt có vụ đối tượng cướp, giết người giữa ban ngày, cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản trên các tuyến đường chính tại trung tâm thành phố Biên Hòa và thị trấn, gây chết người và thương tích cho nhiều người, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho một bộ phận nhân dân. 

     Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng chung từ những khó khăn về kinh tế tác động; do số đối tượng ma túy trên địa bàn tỉnh tăng; phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển chưa đồng đều, việc phối hợp thực hiện các nghị quyết liên tịch giữa lực lượng Công an với các ngành, đoàn thể chưa thật chặt chẽ, đồng bộ, nên hiệu quả hạn chế; các biện pháp phòng ngừa tội phạm của lực lượng chức năng chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ chưa chặt chẽ. Việc phối hợp giữa lực lượng Công an với các ngành, các địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự chưa thường xuyên, số đối tượng tù tha về, thanh thiếu niên chậm tiến, bỏ nhà đi chưa được quản lý chặt chẽ là những yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định về trật tự xã hội; Công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm còn hạn chế, vẫn còn một số tin báo quá hạn nên Viện kiểm sát đã ban hành kiến nghị yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra kịp thời xử lý tin báo tố giác tội phạm theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có vụ việc chưa đúng quy chế phối hợp liên ngành nên tiến trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn kéo dài, có vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung làm chậm tiến độ điều tra, xử lý vụ án…; Công tác tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức, chưa thực sự nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tham gia phòng, chống tội phạm; Hệ thống đường giao thông trên một số địa bàn xuống cấp, lề đường sạt lở, chưa được sửa chữa kịp thời; các tuyến đường giao thông nông thôn có nơi chưa đảm bảo chất lượng, không có lề phụ, hành lang an toàn giao thông nhỏ hẹp nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thong; Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; Lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát, giữ gìn trật tự giao thông còn mỏng so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

     Ngoài ra, một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật thi hành án hình sự chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời của các cơ quan tư pháp Trung ương dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng, ví dụ như: Chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự năm 2010 nên còn gặp nhiều vướng mắc; Việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc chưa có địa điểm để thực hiện; Việc trưng cầu giám định y khoa về sức khỏe để xét điều kiện hoãn, tạm đình chỉ còn gặp nhiều vướng mắc…

BT97.3.jpg
Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành
tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm​ 

     Để tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sơ hở thiếu sót trong cơ chế chính sách, quản lý kinh tế – xã hội, không để tội phạm lợi dụng hoạt động, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực. Lực lượng công an các cấp chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội đồng thời nâng cao tính chủ động, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an các cấp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm; giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong nội bộ nhân dân, khiếu kiện, tranh chấp đất đai không để xảy ra phức tạp về an ninh trật tự.

     Tội phạm trong giới trẻ ngày càng nhiều và khá nghiêm trọng. Do đó, việc giáo dục thanh thiếu niên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và gia đình, xã hội. Nếu chỉ coi đó là trách nhiệm của riêng lực lượng công an thì chưa đủ. Vì vậy, chính sự giáo dục của gia đình, xã hội mới hình thành  ý thức cá nhân trong mỗi con người, mỗi chủ thể. Đây là điều kiện tiên quyết để loại trừ những thói hư tật xấu trong mỗi con người, hình thành nên những gia đình văn hoá, xã hội văn minh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và chăm sóc trẻ em, đề ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em không bị xâm phạm tình dục. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, quan tâm hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở để hạn chế những vụ việc mâu thuẫn nhỏ trong gia đình dẫn đến việc phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi phải làm đơn ly hôn. 

     Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, đặc biệt là quản lý tạm trú, tạm vắng, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là những đối tượng có quyết định truy nã từ địa phương khác đến địa bàn ẩn náu, móc nối cấu kết với các đối tượng trên địa bàn chờ thời cơ hoạt động. Các cơ quan tư pháp tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; có tổ chức sơ kết, kiểm điểm, chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế từ đó có sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp, đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới;

     Kết hợp chặt chẽ công tác phòng, chống tội phạm với yêu cầu thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là số tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, số đối tượng tù tha, đặc xá… để góp phần xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm trong cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và trong các tầng lớp nhân dân để mọi người nhận thức hậu quả, tác hại của tội phạm đối với gia đình và xã hội, quyền lợi và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm. 

                                                                                      Sĩ Tiến