Thực hiện chủ trương ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố Biên Hòa: còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Đăng ngày: 21/08/2013
​Trong những năm qua, UBND thành phố Biên Hòa đã tích cực chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND các phường, xã tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động, giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế tác động xấu của hoạt động chăn nuôi đến môi trường đô thị và tiến tới ngừng chăn nuôi theo phương án đã đề ra.

​     Theo đó, đã xây dựng kế hoạch thực hiện ngưng chăn nuôi gia cầm trên địa bàn; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi nội ô thành phố và phê duyệt Phương án ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương ngưng chăn nuôi gia súc thông qua các hội nghị triển khai, các buổi sinh hoạt của khu phố, các hội, đoàn thể và thông tin trên đài truyền thanh tại địa phương. Đồng thời, UBND thành phố Biên Hòa chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố, UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hộ chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

     Kết quả, tính đến ngày 19/6/2013, tổng đàn gia súc trên địa bàn thành phố giảm từ 150.335 con với hơn 2.050 hộ (chủ yếu là heo 145.569 con) xuống còn khoảng 27.079 con (giảm 123.256 con, tương đương 82%) với 454 hộ (giảm 1.596 hộ, tương đương 78%); trong đó các phường đã thực hiện ngưng chăn nuôi đạt 100% như: Thanh Bình, Hòa Bình, Trung Dũng, Thống Nhất, Bửu Hòa, Tân Mai, Quyết Thắng, Tân Tiến và Bình Đa.

100APPLE_IMG_0009.jpg
Ông Nguyễn Văn Quyết - PGĐ Sở VHTT&DL, Tổ phó Tổ đại biểu, 
Trưởng đoàn giám sát chủ trì​ 

     Tuy nhiên, lộ trình thực hiện ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Người chăn nuôi gia súc chủ yếu là lao động lớn tuổi, không có tay nghề, ngại học tập để chuyển đổi ngành nghề; lợi nhuận từ chăn nuôi của một bộ phận không nhỏ các hộ dân là nguồn thu nhập chính, các hộ khó chuyển đổi sang một ngành nghề khác; việc di dời chăn nuôi từ thành phố đến các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tại các huyện gặp nhiều khó khăn do giá đất chuyển nhượng cao, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, kinh phí đầu tư chuồng trại mới và di dời lớn….. Những khó khăn, vướng mắc nêu trên dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương ngưng chăn nuôi của UBND thành phố có một số tồn tại, hạn chế sau: 

     - Theo kế hoạch, UBND thành phố thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm từ năm 2005 và đến ngày 30/6/2008 tất cả các phường, xã phải chấm dứt chăn nuôi hoặc di dời trang trại chăn nuôi nhưng đến nay tiến độ thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi vẫn chưa hoàn thành. Mặc dù lộ trình xử lý ngưng chăn nuôi gia súc của thành phố đã đạt được một số kết quả đáng kể, tổng đàn gia súc có giảm nhưng hoạt động chăn nuôi vẫn còn tồn tại và một số phường, xã có quy mô đàn gia súc lớn. Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng đàn gia súc trên địa bàn đến thời điểm hiện nay chỉ chiếm khoảng 20% so với thời điểm bắt đầu thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi nhưng quy mô đàn gia súc trên hộ gia đình còn rất lớn, bình quân 60 con/hộ dân; trong đó phường Trảng Dài có quy mô 78 con/hộ dân, phường Tân Biên có quy mô 95 con/hộ dân.

     - UBND thành phố chậm tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô cụ thể và quy định xử lý, chế tài đối với những trường hợp không thực hiện ngưng chăn nuôi trên địa bàn thành phố; chưa có cơ chế, chính sách riêng của địa phương về việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn di dời, chuyển đổi nghề nghiệp. 

     - Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động giữa các ngành, đoàn thể của thành phố và UBND các phường, xã vẫn chưa thật sự chặt chẽ; chưa có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong việc tuyên truyền, vận động, nắm địa bàn. Các đơn vị, địa phương còn lúng túng trong công tác xử lý về môi trường; việc kiểm tra, nắm tình hình các hộ chăn nuôi sau khi xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường còn hạn chế.

     Qua giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện di dời vào vùng khuyến khích chăn nuôi nhưng chấp hành việc ngưng chăn nuôi nhằm hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, giới thiệu một số vùng quy hoạch chăn nuôi ưu tiên đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố Biên Hòa có nhu cầu di dời được ổn định sản xuất, chăn nuôi; đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố Biên Hòa tham mưu UBND tỉnh xử lý kiến nghị của UBND thành phố về việc ban hành quy định về chế tài đối với những trường hợp không thực hiện ngưng chăn nuôi trong khu vực nội thị thành phố Biên Hòa.

     Đề nghị UBND thành phố Biên Hòa chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các phường, xã rà soát lại các hộ dân còn tồn tại hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường theo Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để có cơ sở phân loại và xử lý vi phạm về môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hộ chăn nuôi vi phạm về lĩnh vực môi trường; tổ chức điều tra, rà soát, nắm cụ thể quy mô chăn nuôi, nhu cầu di dời, thực trạng số lao động, tình hình kinh tế, điều kiện học tập chuyển đổi nghề nghiệp của từng hộ dân còn hoạt động chăn nuôi để áp dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND. Mặt khác, chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành chủ trương ngưng chăn nuôi của tỉnh, thành phố gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đồng thời, rà soát, xây dựng lại phương án thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi gắn với các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

                                                                               Thùy Trang