Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành 04 Nghị quyết có liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em; Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành các quyết định, kế hoạch, chỉ thị và chương trình hành động về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em... Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành chức năng và các địa phương cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch của ngành, địa phương, tập trung quan tâm, ưu tiên thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em và tổ chức triển khai thực hiện với các kết quả đạt được đáng kể.
Công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được triển khai thực hiện với nhiều hình thức, như phát hành bản tin “Trẻ em như búp trên cành”, tổ chức “Diễn đàn trẻ em”, các hội nghị, sinh hoạt, thực hiện các phóng sự, chuyên mục phát trên đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, treo các băngrol, áp phích; phát hành tờ rơi để tuyên truyền vận động trong nhân dân nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp cơ sở, cộng tác viên… do đó đã từng bước nâng cao nhận thức của cha mẹ về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ trẻ em; tỷ lệ trẻ em được khai sinh trước 5 tuổi tăng từ 95,6% năm 2006 lên 99,9% trong 9 tháng đầu năm 2012.
Được tham gia học tập - một trong những quyền cơ bản của trẻ em theo
quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được các ngành, các cấp thực hiện kịp thời, đúng chế độ, có nhiều hoạt động nổi bật, như: hơn 500 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc nuôi dưỡng; từ năm 2005 đến nay có trên 80 em sử dụng ma túy đã được các cơ quan chức năng giúp đỡ, hỗ trợ cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ hồi gia cho 23 trường hợp theo Quyết định số 19/2004/QĐ/TT ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ, giúp các em hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; 473 trẻ em bị xâm hại tình dục đã được các ngành và địa phương đến thăm hỏi, động viên tư vấn (tỷ lệ 100%); trợ giúp cho 367 trẻ em bị xâm hại tình dục với số tiền trên 80.000.000đ để các em khám chữa bệnh nhằm ổn định sức khỏe, 21 em mang thai được giới thiệu cho Tổ chức Holt trợ giúp trong chương trình bà mẹ độc thân với số tiền 53.490.000đ để có điều kiện chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ và có chỗ sinh con an toàn, ổn định; 99% trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A; 85,6% trẻ em dưới 6 tuổi được phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...
Do thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nên tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn tỉnh đã giảm nhanh và bền vững (từ 18,8% năm 2005 giảm xuống còn 12% năm 2012); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) của trẻ em dưới 5 tuổi tại Đồng Nai ở mức trung bình của cả nước, tuy nhiên tỷ lệ này có xu hướng giảm trong những năm gần đây (năm 2005 là 29,5% đến năm 2012 là 28,9%); tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2500 gram giảm còn 6,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân dưới 10%; tỷ lệ trẻ từng bị quáng gà ngang với mức chung của toàn quốc là 0,2%; tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo tăng từ 60,4% vào năm 2005 lên 84,5% vào năm học 2011 - 2012; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo từ 84,5% năm 2005 lên 97,5% vào năm học 2011-2012; 10.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các các hoạt động vui chơi như thi khéo tay, thi các trò chơi dân gian, thi các trò chơi vận động; hàng năm có trên 4000 lượt trẻ em tham gia Đêm hội trăng rằm; 3.000 trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn như đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cơ sở còn thiếu, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi, thiếu điều kiện làm việc (phòng làm việc, máy tính, phụ cấp) nên công tác quản lý trẻ em chưa chặt chẽ, đầy đủ (số liệu thống kê chưa được cập nhật chính xác, thường xuyên nên việc thực hiện các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ); nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn hẹp, chưa quy định cụ thể các khoản chi cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; công tác huy động trẻ ra lớp ở lứa tuổi mầm non chưa đạt mục tiêu đề ra do thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho giáo dục mầm non còn khó khăn. Chưa có lớp giáo dục về kỹ năng sống cho trẻ như phòng ngừa tai nạn đuối nước, phòng ngừa tình trạng trẻ bị xâm hại, thương tích ... nên tỷ lệ trẻ em đuối nước, bị xâm hại, thương tích vẫn còn cao; cơ sở dữ liệu về trẻ em chưa thống nhất giữa các cấp, các ngành; thiếu khu vui chơi, giải trí; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của các em tại các trung tâm văn hóa còn rất ít, không phong phú, đa dạng (80/171 xã, phường có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em); thiếu nhân lực để tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em; công tác quản lý, kiểm tra hoạt động của các tụ điểm văn hóa còn hạn chế nên vẫn còn một số hiện tượng lén buôn bán phim ảnh đồi trụy nhất là những điểm như dịch vụ Internet, cho thuê băng đĩa và người bán băng đĩa rong, đây là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng tăng.
Nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhiều và chồng chéo, tạo sự khó khăn cho nhân dân, cộng đồng khi tiếp cận Luật. Bên cạnh đó Luật cũng chưa quy định rõ phạm vi, mức độ cán bộ của cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quyền can thiệp trong các trường hợp trẻ bị xâm hại; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nên bố trí nhân sự không đủ, thiếu ổn định, thiếu kiểm tra, giám sát và chưa quan tâm đầu tư kinh phí; nhận thức của một số gia đình và chính bản thân các em về thực hiện Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện quyền trẻ em vẫn còn hạn chế; đội ngũ chuyên trách về công tác chăm sóc trẻ em còn thiếu, yếu về chuyên môn nghiệp vụ, không ổn định, trong khi đó trẻ em chiếm tỷ lệ 30% dân số, là đối tượng cần phải dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu.
Hòa Bình