Hội nghị trực tuyến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đăng ngày: 09/09/2013
​Tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20/8/2013 vừa qua, đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường, phiên họp được phát thanh truyền hình trực tiếp và trực tuyến từ Trụ sở Văn phòng Quốc hội tới Phòng họp trực tuyến tại các địa phương trong cả nước.

​     Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã triệu tập các đại biểu Quốc hội ở địa phương tham dự phiên họp này, cùng dự với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các Ban Pháp chế, Kinh tế ngân sách, Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh gồm: Kế hoạch đầu tư; Tư pháp; Nội vụ; Công thương; Tài nguyên môi trường; Công an tỉnh; Thanh tra tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

     Nội dung chất vấn tập trung vào trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành; việc ban hành và chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại tố cáo. Ngoài ra, các Bộ trưởng – Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công an và Tổng Thanh tra Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
DSC04737.jpg
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai

     Tham gia phiên họp này, đại biểu Trương Văn Vở - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và giải pháp, lộ trình giải quyết cụ thể liên quan đến việc để nợ đọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật dẫn đến “Luật treo” (đến giữa năm 2013 còn nợ 108 văn bản; 86% văn bản trễ hạn); trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và giải pháp, lộ trình giải quyết cụ thể các vấn đề liên quan đến việc để xảy ra “Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong các nông lâm trường vẫn còn nhiều, dưới nhiều hình thức như: lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật kéo dài nhiều năm nhưng chậm được giải quyết” với diện tích lớn như: cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái pháp luật trên 140.000 ha; bị lấn chiếm tranh chấp chưa giải quyết xong gần 74.000 ha; sử dụng vào các mục đích khác trên 152.000 ha.

     Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương, đại biểu Trương Văn Vở đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu gây rất nhiều khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay là do vướng mắc về thu tiền sử dụng đất. Cụ thể là trường hợp giao đất trái thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở trước ngày 15/10/1993 (theo Luật Đất đai, trường hợp này người dân không phải đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức và đóng 50% nếu vượt quá hạn mức). Tuy nhiên, Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, bắt buộc phải đóng 40% trong hạn mức và 100% theo giá thị trường đối với phần diện tích ngoài hạn mức. Đại biểu Vở cũng đã nêu rõ tại Đồng Nai, còn nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân được đơn vị Quân đội cấp đất làm nhà (nhà dân do đơn vị Quân đội ban hành quyết định cấp, nghĩa là có giấy tờ hợp lệ) trước thời điểm 15/10/1993 nhưng khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, buộc họ phải đóng tiền sử dụng đất theo Nghị định số 120/2010/NĐ-CP của Chính phủ là không hợp lý (không phải lỗi ở người dân) đang gây bức xúc, phản ứng rất gay gắt và khó khăn trong giải quyết đơn khiếu nại kéo dài của nhân dân ở địa phương.

                                                                             H.Phương