Nghị trường "sôi động" với 1,5 ngày thảo luận về Kinh tế - Xã hội (Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13)

Đăng ngày: 01/11/2013
​Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, ngày 31/10 và sáng ngày 01/11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân, các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế); Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.

Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung làm rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế chưa hiệu quả vì đến nay chưa có Đề án tái cơ cấu đầu tư công; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì rời rạc; Tái cơ cấu ngân hàng thì chưa đạt yêu cầu.

Các phiên thảo luận đã ghi nhận được nhiều "hiến kế" từ đại biểu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý, điều hành thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trong kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2015.

DSC_1339sssssssss.jpg
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Trương Văn Vở, tham gia phát biểu tại phiên thảo luận KT-XH, sáng ngày 31/10/2013.

Theo ĐBQH Trương Văn Vở, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Chính phủ cần quan tâm 04 vấn đề như sau:

Một là thay đổi trong quản lý và điều hành từ việc nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác lập và thực hiện theo quy hoạch. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, thực hiện đồng bộ, lộ trình đưa ra phải rõ ràng, hợp lý và khả thi trong tổ chức lập, quản lý quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm phục vụ cho yêu cầu triển khai tái cơ cấu ngành đến từng địa phương, nhất là sự liên kết ngành ở từng địa phương trong Vùng kinh tế. Đề nghị coi trọng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch ngành ở từng địa phương và từng địa phương trong mối liên kết với vùng.

Ông đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong 3 năm qua đã chỉ đạo, rà soát chấn chỉnh việc quy hoạch thủy điện ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và môi trường rừng báo cáo tại kỳ họp này. Đại biểu tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo quy hoạch để tránh tình trạng chuyển mục đích đất rừng sang dự án kinh tế không đúng theo quy hoạch.

Theo quyết định của Chính phủ về quy hoạch tháng 6/ 2009 phê duyệt phát triển trồng rừng cao su đến năm 2020 ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc là 80 ngàn ha. Đến nay con số này vượt lên trên 91 ngàn ha. Miền Trung chưa được quy hoạch nhưng đã trồng gần 30 ngàn ha, đây là việc làm cần rà soát, điều chỉnh theo quy hoạch. Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị không nên xem đây là điều kiện, là cớ để xâm phạm đất rừng và tài nguyên rừng. Thứ hai, để tái cơ cấu đầu tư công đạt kết quả, ông cho rằng vấn đề cải tổ thể chế, phân cấp đầu tư và quản lý đầu tư có hiệu quả là vấn đề cấp thiết, đề nghị cần sớm nâng tính pháp lý, sớm xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư công, kể cả phương thức hợp tác đầu tư công tư PPP. Khắc phục có hiệu quả yếu kém kéo dài trong quản lý điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước trong đầu tư phát triển. Theo báo cáo kiểm toán nhà nước năm 2012 đối với niên độ ngân sách năm 2011 vẫn còn tình trạng quyết định đầu tư vượt khả năng cân đối nguồn vốn - đây là vấn đề mà đại biểu Trương Văn Vở nhấn mạnh, đề nghị chính phủ rà soát và có phương hướng khắc phục.

Thứ ba, cần sớm khắc phục tình trạng phân bố nguồn lực dàn đều, thiếu trọng điểm để khuyến khích các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm có nguồn thu lớn. Đây chính là cơ sở quan trọng để tăng nguồn thu, tạo động lực lan tỏa và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đạt hiệu quả.

Thứ tư, kịp thời sửa đổi, bổ sung đồng bộ thể chế chính sách để nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định 1895 năm 2012 của Chính phủ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Coi trọng cơ chế, lĩnh vực, phương thức hỗ trợ đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ, đối với việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ông đề nghị sớm ban hành sửa đổi Nghị định 61 của Chính phủ.

(Đức Nhuận)