Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26

Đăng ngày: 23/04/2014
​Ngày 01 tháng 4 năm 2014, tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Bộ Y tế. Tham dự phiên họp và giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ. Phiên chất vấn được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để các vị đại biểu Quốc hội trong cả nước tham gia chất vấn; được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.  

Phiên chất vấn đã diễn ra đúng quy định của pháp luật, với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn và dân chủ. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận cả nước đặc biệt quan tâm về một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các thị trường nông sản, điện, xăng; dầu; tình hình xuất khẩu khoáng sản; vê vấn đề y đức, quá tải của bệnh viện, quản lý giá thuốc, y tế tư nhân, y tế tuyến cơ sở.

Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ y tế đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả tích cực trong các lĩnh vực liên quan đến nội dung chất vấn.

Bộ Công thương đã chủ động nắm tình hình, tăng cường quản lý các hoạt động thương mại có yếu tố người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo sự bình đẳng, mang lại lợi ích hợp pháp cho người sản xuất, kinh doanh. Việc đề xuất cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế tình trạng xuất khẩu khoáng sản trái phép. Thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực; giá điện được hình thành cơ bản phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu giữ được sự ổn định nhất định thông qua các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Đối với Bộ Y tế, đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục và từng bước nâng cao chất lượng cải cách hành chính trong ngành y tế; lập đường dây nóng đế xử lý và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực phát sinh. Tích cực triển khai việc củng cố y tế cơ sở, xây dựng các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện vệ tinh, tăng cường quản lý y tế tư nhân, hoạt động của y, bác sỹ người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, giá thuốc chữa bệnh, góp phần tích cực vào kết quả công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, từng bước giảm quá tải ở các bệnh viện, đảm bảo để nhân dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản; hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và mở rộng, việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt được quan tâm; phát hiện, khống chế không để phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là các loại dịch bệnh mới, nguy hiểm; tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hoạt động thu mua nông sản, thuỷ sản của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đên sản xuất - kinh doanh trong nước; tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp; điều hành giá các mặt hàng điện, xăng, dầu chưa thật sự công khai, minh bạch, điều chỉnh có lúc chưa phù hợp đã ảnh hưởng tới tâm lý, đời sống của người dân. Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuy đã bước đầu được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội; vẫn còn một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức, nhân viên y tế còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật; việc chấn chỉnh về y đức chuyển biến còn chậm; công tác quản lý giá thuốc, chất lượng thiết bị y tế còn nhiều bất cập; giá viện phí, thuốc chữa bệnh tăng gây khó khăn cho người dân có thu nhập thấp; công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế.

Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà các vị Bộ trưởng đã nêu, đồng thời lưu ý một số vấn đề sau đây:

Đối với Bộ trưỏng Bộ Công thương:

Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đối với các hoạt động mua, bán nông sản, thuỷ sản, hải sản có biểu hiện bất thường. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận để bảo vệ quyền lợi của người nông dân và các doanh nghiệp trong nước.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan có giải pháp gắn kết sản xuất với tiêu thụ, quy hoạch sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; đổi mới phương thức kinh doanh; tổ chức lại mạng lưới thu mua, mạng lưới phân phối để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường sản phẩm phù hợp với mục đích phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản theo quy hoạch được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật gắn với giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở khu vực biên giới, để người dân ủng hộ, tham gia công tác phòng chống buôn lậu, trong đó có xuất khẩu trái phép khoáng sản. Khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, xuât khẩu trái phép và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản, bảo đảm đến năm 2015 chấm dứt tình trạng này.

Thực hiện đúng quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng giá điện theo giá thị trường và các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, vận hành khai thác công trình thuỷ điện theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cho ngành điện theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nhanh và bền vững, phù hợp với khả năng của ngành điện. Chỉ đạo việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và chấn chỉnh các hoạt động đầu tư kinh doanh của ngành điện.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và theo xu hướng giá thế giới; bảo đảm nguồn cung và ổn định hệ thống phân phối, tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm và xử lý vi phạm.

Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh xăng, dầu có tính cạnh tranh; công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng, dầu.

Đối với Bộ trưởng Bộ Y tế

Tiếp tục rà soát hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sử dụng đường dây nóng, sự tham gia của cơ quan báo chí, lắng nghe góp ý của nhân dân, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác giáo dục về y đức, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ y, bác sỹ, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề y. Tổ chức thí điểm một số khoa, phòng của bệnh viện công thực hiện chấn chỉnh y đức để rút kinh nghiệm, nhân rộng gương người tốt, điển hình tiên tiến.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư y tế cơ sở, trong đó có trạm y tê xã, chuyển tuyến kỹ thuật, bác sỹ gia đình, đào tạo nguồn lực để giảm quá tải bệnh viện tuyến trên; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện vệ tinh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến huyện, tích cực đào tạo cán bộ và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới; có chính sách thiết thực để khuyến khích, tăng cường phát triển các bệnh viện tư nhân. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở; đảm bảo theo lộ trình đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo tinh thần Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp để phối hợp giữa các bệnh viện công với cơ sở y tế tư nhân trên cơ sở công khai, minh bạch; tiếp tục triển khai các giải pháp hữu hiệu để giảm tải ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương trong thời gian tới.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân, đồng thời, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình sai phạm quy định về hành nghề.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Luật an toàn thực phẩm; trong đó, coi trọng quản lý an toàn thực phâẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông theo quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu.

Sớm tổng kết mô hình tổ chức y tế cơ sở, đề xuất việc sửa đổi các văn bản pháp luật cần thiết về mô hình tổ chức, bộ máy y tế tuyến huyện, tỉnh phù họp với quy định của Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chuẩn bị tốt các nội dung liên quan để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật dược, Luật bảo hiểm y tế.

Đức Nhuận