Tại buổi thảo luận, các ĐBQH của tổ thảo luận đã cho ý kiến về việc thực hiện mục tiêu KT- XH tổng quát năm 2013; Các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nhưng chưa vững chắc; đi vào phân tích kỹ các chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thảo luận sâu về hạn chế, bất cập và nguyên nhân về tình hình thực hiện các mục tiêu KT-XH những tháng đầu năm 2014; Dự báo tình hình những tháng còn lại của năm 2014, nhất là tác động không thuận từ các sự kiện do chủ quyền quốc gia trên vùng biển nước ta bị xâm phạm từ đầu tháng 5/2014 và phân tích, đánh giá tình hình, đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2014.
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương (ĐBQH tỉnh Phú Thọ) thì chúng ta còn yếu kém trong khâu dự báo, đánh giá tình hình, do đó việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội thời gian qua chưa thực sự hiệu quả và chưa thể thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội. Trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chưa có sự quyết liệt để tạo ra khâu đột phá, các chính sách ngắn hạn liên quan thiết thực đến đời sống người dân chưa được nghiên cứu, đánh giá đúng mực để có thể dể dàng đi sâu vào đời sống nhân dân. Đại biểu còn nhận định rằng chúng ta còn đang loay hoay để tìm ra một động lực phát triển kinh tế thực sự hiệu quả hơn.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Trần Văn Tư cho ý kiến tại buổi thảo luận
Bà Phạm Thị Hải - ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng số liệu trong báo cáo đánh giá thực hiện các mục tiêu KT-XH của Chính phủ về các chỉ tiêu tạo việc làm và chỉ tiêu lao động qua đào tạo chưa chính xác. Bởi lẽ, thực trạng vừa qua, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phá sản, giải thể, do đó tỉ lệ về việc làm sẽ bị suy giảm chứ không thể đạt yêu cầu như trong báo cáo.
Vấn đề về những con số trong báo cáo của Chính phủ (do Tổng cục thống kê cung cấp) cũng được các đại biểu Nguyễn Công Hồng, Dương Trung Quốc rất lưu tâm, đề nghị cần phải có cơ chế giám sát số liệu trong các báo cáo, sao cho bức tranh toàn cảnh về kinh tế được phản ánh một cách chính xác và bao quát nhất.
Nhóm giải pháp về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng còn lại của năm 2014 cũng được Chính phủ đưa ra. Các đại biểu nhất trí với nhóm giải pháp trên, tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc như hiện nay, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung thêm một nhóm các giải pháp để thực hiện các kế hoạch về KT-XH đã đề ra như một phương án dự phòng để áp dụng trong điều kiện Trung Quốc gây sức ép mạnh về kinh tế đối với Việt Nam. Đại biểu cho rằng thời gian vừa qua chúng ta chưa quan tâm đúng mực đến nhóm đối tượng là ngư dân, chúng ta cần đầu tư đúng mức, tạo điều kiện cho họ có thể lao động sản xuất với năng suất cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh đặc biệt là trong bối cảnh Việt - Trung như hiện nay thì nhóm đối tượng này càng phải được quan tâm hơn nữa.
Theo ông Trần Văn Tư - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, trong báo cáo của Chính phủ về đánh giá thực hiện KT-XH cần đánh giá rõ những khó khăn đặc thù ứng với từng từng vùng, miền, ngành để từ đó có nhóm các giải pháp khắc phục và phát triển toàn diện KT-XH. Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp ứng biến với biến động của môi trường kinh tế xã hội phải đạt được yêu cầu là một giải pháp tình thế nhưng phải hiệu quả trong lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển chung đất nước trành tình trạng tốn kém nhiều nhưng hiệu quả mang lại không căn cơ và thiếu tính ổn định như thời gian vừa qua chúng ta gặp phải, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đức Nhuận