Đối với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Tại Điều 3 - Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định việc áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật có liên quan có nêu "Trường hợp luật chuyên ngành quy định khác với Luật này về tổ chức quản lý và giải thể đối với doanh nghiệp liên quan thì áp dụng theo quy định của Luật đó". Theo đó, khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thì một số hoạt động của doanh nghiệp như giải thể, phá sản… vẫn được điều chỉnh theo các văn bản chuyên ngành có từ trước đó, như thế thì trái với quy định văn bản pháp luật ra sau thì có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản có trước. Đề nghĩ ban soạn thảo dự án luật nghiên cứu, xem xét quy định trong luật để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu không đồng tình quy định cứng nhắc việc người chưa thành niên và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự không được phép thành lập doanh nghiệp như trong dự thảo vì không đồng bộ với Bộ luật dân sự, Bộ luật dân sự quy định người đủ 16 tuổi thì có quyền lao động và có tài sản riêng nên họ hoàn toàn có khả năng thành lập doanh nghiệp, mặt khác, cần quy định rõ hạn chế năng lực hành vi dân sự ở mức độ nào, vì hiện nay, có những người hạn chế về thể chất nhưng xét về tư duy, trí tuệ, những người này hoàn toàn có khả năng lao động, thành lập doanh nghiệp và đóng góp tốt cho xã hội.
ĐBQH Hồ Văn Năm tại buổi thảo luận
Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần thiết quy định rõ trong luật thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều như hiện nay, sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai), nên quy định kê khai rõ trong hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh để tạo tính thống nhất giữa các điều trong dự án luật cũng như tạo điều kiện cho cơ quan chức năng quản lý hiệu quả về thu thuế, về tính toán vốn pháp định doanh nghiệp…, tránh tình trạng một doanh nghiệp nhưng tham gia quá nhiều lĩnh vực kinh doanh, gây khó khăn trong công tác quản lý điều hành.
Đối với Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) quan tâm đến phạm vi đầu tư và cách thức quản lý nguồn vốn nhà nước trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, cần quy định rõ các loại hình doanh nghiệp có sử dụng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, trong đó, phân biệt rõ chức năng của loại hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, xã hội.
ĐBQH Trương Văn Vở cho ý kiến về Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh
Theo đại biểu Trương Văn Vở, nên quy định rõ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì cần duy trì tỷ lệ vốn góp của nhà nước để dể dàng quản lý điều hành, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng của nhà nước. Đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì cần thiết quy định thẩm quyền sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong hoạt động đầu tư để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ việc xử lý những hệ lụy, tồn tại khi doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, cũng như giải quyết những rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do điều kiện khách quan mang lại đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Cần quy định rõ người đại diện cho doanh nghiệp có vốn nhà nước trong tranh tụng đặc biệt là tranh tụng Quốc tế và quy định rõ người có trách nhiệm thực hiện các phán quyết sau tranh tụng trong Dự thảo luật.
Đức Nhuận