Quang cảnh buổi thảo luận
Khoản tiết kiệm của người lao động qua đóng BHXH
Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thực chất là khoản đóng góp trước của người lao động và thụ hưởng sau khi về hưu, đây không phải là khoản ngân sách nhà nước cấp cho người lao động, từ đó cho thấy, cơ sở quan trọng nhất để tính BHXH là thời gian đóng BHXH chứ không phải là độ tuổi. Đề nghị có quy định thừa kế đối với khoản đóng BHXH của người lao động vì đóng BHXH thực chất là khoản tiết kiệm của người lao động.
Đại biểu đề nghị cần quy định đảm bảo tính bình đẳng trong việc đóng và hưởng BHXH giữa những đối tượng lao động khác nhau. Tùy đặc thù, tính chất ngành nghề mà người lao động đã có những chính sách, chế độ thụ hưởng riêng trong quá trình công tác, tuy nhiên khi về hưu, nhu cầu về hưởng BHXH là như nhau, do đó, đại biểu đề nghị áp dụng đồng mức hưởng BHXH đối tất cả những đối tượng lao động khác nhau.
Tăng tính khả thi của dự luật
Đề nghị hạn chế những Điều luật "treo" trong dự án luật BHXH (sửa đổi), có những Điều trong dự án luật quy định có hiệu lực từ năm 2018, 2020, 2031…, như thế thì không đảm bảo được tính khả thi của điều luật trong điều kiện kinh tế xã hội thay đổi nhanh và tuổi thọ của luật là không cao như hiện nay.
Về quyền người lao động quy định tại Điều 17 - Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu đề nghị bổ sung quyền được điều chỉnh mức thụ hưởng BHXH cho phù hợp với chính sách tiền lương qua các thời kỳ khác nhau. Đại biểu cho rằng cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong khiếu nại, tố cáo liên quan đến BHXH (Điều 119, Điều 120 - Dự án Luật BHXH (sửa đổi)).
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần xác định rõ đối tượng của các loại bảo hiểm, theo đó BHXH chỉ áp dụng đối với chế độ hưu trí cho 2 nhóm đối tượng là công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước và người lao động hưởng lương của doanh nghiệp. Còn chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp thì áp dụng theo quy định của Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống đào tạo nghề
Các đại biểu cho rằng, yêu cầu cao nhất của sửa đổi Luật dạy nghể là phải tạo được đột phá trong đảo tạo nghề, cùng với hệ thống giáo dục quốc dân thì đào tạo nghề cũng phải được quan tâm, đổi mới một cách căn bản, toàn diện để từng bước cơ cấu, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và đào tạo nghề nói riêng.
ĐBQH Phạm Thị Hải phát biểu tại buổi thảo luận
Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn ĐBQH Đồng Nai) cho rằng, hiện nay có sự chồng chéo, trùng lắp trong quản lý các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà đề nghị trong dự án luật cần rà soát, phân định trách nhiệm để tăng cường hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hệ thống trường nghề.
Theo đại biểu Phạm Thị Hải, trong dự thảo luật nên quan tâm rà soát xác định trọng tâm đào tạo giữa đào tạo văn hóa và đào tạo nghề ở bậc đào tạo trung cấp nghề và bậc cao đẳng nghề theo hướng trọng tâm của trung cấp nghề là đào tạo nghề và tiến đến cân bằng, nâng cao yêu cầu đào tạo văn hóa ở bậc cao hơn là cao đẳng nghề.
Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, cần có cơ chế quản lý, điều chỉnh cơ sở dạy nghề theo quy hoạch, trong đó quan tâm đến quy hoạch phát triển kinh tế từng địa phương và quy hoạch chiến lược phát triển vùng kinh tế, tránh tình trạng cung trường nghề vượt cầu lao động. Ông cũng đề nghị cần phải giao cho cơ sở dạy nghề quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong đào tạo kết hợp với việc có cơ chế gắn kết nhu cầu giữa nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) với trường nghề để tạo bước đột phá trong chất lượng đào tạo nghề, cũng cố và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đức Nhuận