Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng của nền kinh tế

Đăng ngày: 02/06/2014
​Bước vào ngày làm việc thứ 11 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13. Ngày 02-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Đây là hoạt động được đông đảo đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm và được phát thành và truyền hình tực tiếp trên cả nước

Tại phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Theo đó, chúng ta ghi nhận được những kết quả tích cực trong công tác điều hành kinh tế - xã hội như đã kiểm soát được lạm phát; Chính phủ đã quan tâm sửa đổi, bổ sung ban hành chính sách, các văn bản nhằm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ quyết tâm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo điều kiện cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những điểm nghẽn, điển hình như tái cơ cấu nền kinh tế, lưu thông vốn chậm, sức mua thấp, tăng trưởng chưa cao và kém bền vững…

Quan tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Để tạo sức chuyển động mạnh mẽ trong quản lý điều hành và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại năm 2014, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hướng dẫn các địa phương triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vì hiện nay các địa phương đang lúng túng trong triển khai thực hiện các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

DSC_5274 - DBQH Truong Van Vo Tinh Dong Nai - Thao luan trien khai ke hoach PTKTXH va NSNN 2014 (500 x 332).jpg
ĐBQH Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại buổi thảo luận

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ Nông nghiệp cần đề cao trách nhiệm của mình để sớm hoàn thành và triển khai quy hoạch các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như đã hứa với cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Kịp thời thể chế hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo lợi thế từng địa phương, từng vùng kinh tế.

Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng của nền kinh tế

Tín hiệu của nền kinh Việt Nam năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 cho thấy, nền kinh tế đang dần phục hồi, tuy với tốc độ còn chậm, nhưng chúng ta có quyền hy vọng vào bước chuyển mạnh trong thời gian tới và vượt qua tình trạng trì trệ, bắt đầu khởi sắc vào thời điểm kết thúc năm 2014 và bước sang năm 2015. Nhiệm vụ của những tháng cuối năm 2014 không phải là tập trung đổi mới các chính sách kinh tế vĩ mô, mà cần phải giải quyết căn cơ, dứt điểm những tồn đọng của nền kinh tế.

Theo đại biểu Trương Văn Vở, chúng ta cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng lấy nguồn lực từ việc thực hiện chương trình này để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển nhất là đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Tạo đột phá mạnh và đồng bộ trong cải cách thể chế, trọng tâm là đầu tư công, hành chính công, không để tiếp diễn tình trạng bố trí vốn đầu tư khi chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, chưa phê duyệt dự toán đã kéo dài nhiều năm qua.

Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng cần xem lại, chấm dứt tình trạng mức chi tăng cao so dự toán, so Nghị quyết Quốc hội trong khi đó thì các chỉ tiêu về việc làm, về giảm nghèo lại không đạt yêu cầu đề ra. Đối với tín dụng, cần có chính sách khơi thông tắc nghẽn nguồn vốn cho nền kinh tế, trong đó, quan trọng nhất là đáp ứng vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, quan tâm giải ngân gói 30.000 tỷ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội vì thời gian qua, gói hỗ trợ này chưa thực sự phát huy hiệu quả do vướng thủ tục pháp lý (kế hoạch đề ra là trong năm 2014 sẽ giải ngân 50-60% nhưng hiện nay mới giải ngân trên 1300 tỷ)

Rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, báo cáo chính phủ luôn nhắc đến những tồn tại, hạn chế của các bộ ngành từ trung ương đến địa phương trong đó có kỷ cương hành chính chưa nghiêm, hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Ông Vở đề nghị Chính phủ cần đánh giá làm rõ trách nhiệm cá nhân từng ngành, từng cấp từ trung ương đến địa phương để có giải pháp khắc phục tình trạng quản lý yếu kém, gây ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị tại kỳ họp này, một số bộ ngành cần báo cáo làm rõ trách nhiệm của mình và giải pháp khắc phục nhằm tạo niềm tin nơi cử tri như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo làm rõ kết quả quy hoạch phát triển mạng lưới trường nghề (cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề) và thực hiện đề án đặt hàng, tạo sự kết nối giữa trường đào tạo nghề và người sử dụng lao động nhằm thực hiện có kết quả công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch bảo vệ phát triển rừng. Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo làm rõ giải pháp khắc phục trong thực hiện quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc để không lập lại tình trạng đề án lớn, vấn đề lớn nhưng không được thống nhất trong lãnh đạo bộ trước khi trình Chính phủ, các cơ quan Quốc hội, Thường vụ Quốc hội dẫn đến sai lệnh, không phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn đất nước, gây bức xúc trong nhân dân như đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian qua.

Đức Nhuận