Chưa thể đẩy lùi tham nhũng

Đăng ngày: 12/06/2014
​Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 12-6, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về công tác tham mưu Chính phủ (CP) ban hành ban hành các văn bản có liên quan đến phòng chống tham nhũng (PCTN); về hiệu quả đẩy lùi tham nhũng qua công tác thanh tra; về kết quả thanh tra và công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra…

DSC_4021 (500 x 332).jpg
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời phiên chất vấn

Nợ đọng văn bản liên quan PCTN

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) chất vấn Tổng TTCP về việc tham mưu CP ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) trong PCTN. Theo đó, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, vừa qua, TTCP và cá nhân tổng TTCP đã có nhiều nỗ lực, phấn đầu vượt khó trong tổ chức thực hiện chương trình hành động theo quy định của CP về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, toàn ngành thanh tra đang gặp khó khăn trong xác định nguyên nhân của kiểm tra, thanh tra kém hiệu quả là do: khi xem xét, xử lý sai phạm trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN thường chưa rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cho rằng hành vi tham những là có độ ẩn cao. 

DSC_4204 (500 x 332).jpg
ĐBQH Trương Văn Vở chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ -kỳ họp thứ 7, QH13

Đại biểu Vở chất vấn Tổng TTCP là vì sao đến nay TTCP chậm tham mưu cho CP ban hành quy định xác định trách nhiệm người đứng đầu trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng? Vì sao chậm tham mưu CP ban hành quy định hướng dẫn việc bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người, tổ chức tố giác tội phạm, việc xử lý các hành vi trả thù người tố giác tội phạm, tố cáo hành vi tham nhũng. Trách nhiệm tổng TTCP đến đâu? Đến bao giờ khắc phục tình trạnh chậm tham mưu CP trong việc ban hành các quy định có liên quan PCTN theo Nghị quyết 63 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Theo tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh  thì vấn đề xác định trách nhiệm người đứng đầu được ghi rõ trong luật PCTN, đây là khâu hết sức quan trọng trong tuyên truyền pháp luật, thể hiện gương mẫu của người đứng đầu. Sau khi luật PCTN được ban hành, thì các bộ, ngành đã tham mưu CP ban hành những Nghị định (NĐ) hướng dẫn thi hành Luật PCTN, trong đó có NĐ 211 thay NĐ 107 của Chính phủ quy định trách nhiệm người đứng đầu và do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo và tính thời điểm này đã ban hành được hai tháng.

Vấn đề bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng thì trong NĐ 76 năm 2013 của CP hướng dẫn thi hành luật tố cáo quy định rất rõ việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng. Theo tổng thanh tra CP, hiện tại Bộ Nội vụ đang chủ trì cùng với TTCP và Bộ Tài chính dự thảo Thông tư về chế độ biểu dương, khen thưởng đối với người tố giác hành vi tham nhũng và đang ở gia đoản lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương.

Tham nhũng đã được đẩy lùi?

Xung quanh vấn đề kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Tổng TTCP việc tham nhũng đã được đẩy lùi hay chưa? Trả lời vấn đề này, Tổng TTCP cho rằng hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi và chưa có dấu hiệu được đẩy lùi, tình trạng tham ô, tham nhũng ngày càng diễn ra dưới nhiều hình thức, tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp và mức độ khác nhau, do dó, theo nhận định của Tổng TTCP thì trong thời gian tới tình trạng tham nhũng vẫn khó được đẩy lùi. Tuy nhiên tổng TTCP xác định rõ việc bài trừ tham nhũng quyết định đến sự tồn vong của chế độ, cùng với quyết tâm của Đảng và nhà nước, trong thời gian tới, TTCP sẽ quan tâm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ thanh tra, tăng cường giáo dục tư tưởng và nhận thức chính trị để kết luận thanh tra được chính xác và công tâm, góp phần đẩy lùi tham nhũng trong xã hội.

Theo tổng TTCP, hiệu quả của công tác thanh tra cũng như phòng chóng tham nhũng chưa cao vì hiện nay vì đang gặp một số khó khăn trong xử lý tài sản thu hồi từ những vụ án tham nhũng, con số trên dưới 12% còn quá ít so với khối tài sản xã hội mà những vụ án tham nhũng gây ra. Do đó, trong thời gian tới, TTCP sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước soạn thảo thông tư liên bộ về vấn đề phong tỏa và xử lý tài sản cưỡng chế. Đề cập đến vấn đề phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Tổng TTCP cho rằng thẩm quyền ngành thanh tra là chuyển kết luận thanh tra đến cơ quan điều tra, do đó bên cạnh tính chính xác và kịp thời của kết luận thanh tra thì kết quả xử lý các vụ án tham nhũng còn phụ thuộc phần lớn vào cơ quan điều tra, do đó, trong thời gian tới, để đẩy lùi tham nhũng, bên cạnh việc chấn chỉnh trong nội bộ ngành thì TTCP sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ ngành liên quan để phối hợp, xử lý hành vi tham nhũng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận), đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP. Hồ Chí Minh) còn chất vấn Tổng TTCP về việc kiểm soát kê khai tài sản đối với cán bộ về hưu, vì dư luận xã hội vừa qua quan tâm đến tình trạng một số cán bộ về hưu sở hữu khối tài sản quá lớn, liệu rằng có hành vi tham nhũng đối với những cán bộ về hưu này hay không? Trả lời nội dung trên, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng, hiện nay theo quy định của pháp luật thì không có quy định kiểm kê tài sản của cán bộ về hưu, việc kê khai tài sản với với người đương nhiệm tính tới thời đểm này được đánh giá là nghiêm túc và chưa có sai xót. Tuy nhiên, theo Tổng TTCP, cái khó của việc kê khai tài sản hiện nay là chúng ta chưa có được biểu mẫu thống nhất, việc kê khai chưa đồng bộ và không tuân theo quy chuẩn chung sẽ dẫn đến hạn chế trong công tác thanh tra đối với tài sản kê khai của cán bộ.

Đức Nhuận