Sáng 18-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường Dự án Luật nhà ở (sửa đổi)
Yêu cầu chung của sửa đổi Luật nhà ở là phải tạo bước đột phá về thể chế, tác động mạnh đến việc phát triển đa dạng, hài hoà các loại hình nhà ở, phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng xã hội và phải rõ cơ chế, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong quản lý, điều hành phát triển nhà ở thông qua công tác lập, quản lý theo quy hoạch và cơ chế, chính sách thích hợp.
ĐBQH Trương Văn Vở phát biểu tại buổi thảo luận
Gỡ nút thắt về nhà ở xã hội
Phát biểu về cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần quy định đậm nét hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, chăm lo giải quyết nhà ở cho người thuộc đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp phù hợp cả ở đô thị và nông thôn theo hướng quy định rõ tỷ lệ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong tổng quỹ đất ở cho từng loại đô thị và nông thôn.
Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng cần có quy định bắt buộc việc phát triển nhà ở cho công nhân và xem đây là điều kiện để phê duyệt dự án khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị tập trung chính sách để phát triển nhà cho thuê đối với tất cả đối tượng mà không ưu tiên vấn đề bán ở đây, đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng nhà ở xã hội thì hoạt động cho thuê là chủ đạo bởi vì đối với nhà ở xã hội thì chính sách mang tính xã hội nhiều hơn mang tính kinh tế. Theo đó, cần có cơ chế quản lý đặc thù để phát huy tính xã hội bằng chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Các đại biểu đề nghị cần quy định thật chặt chẽ điều kiện, đối tượng mua nhà ở xã hội, nhằm khắc phục tình trạng nhà ở xã hội không để ở mà chuyển nhượng, để trục lợi do lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước về nhà ở xã hội.
Không bao cấp tràn lan nhà công vụ
Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP. Hải Phòng) thì nhà công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự thì không được đáp ứng. Đại biểu Vinh cho rằng, cần phải tạo ra cơ chế công bằng trong chính sách nhà ở công vụ cho mọi đối tượng. Trong trường hợp ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu nhà công vụ cho tất cả các đối tượng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được bố trí nhà ở công vụ còn các đối tượng khác thì nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương để họ tự chủ về nhà ở, ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, không nên phát triển tràn lan nhà ở công vụ và nguồn lực để phát triển nhà công vụ phải được cân đối trong ngân sách nhà nước để thấy rằng nhà nước đã lấy tiền thuế của dân tới mức độ nào đề xây dựng nhà công vụ, từ đó nâng cao nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý cũng như người sử dụng nhà công vụ.
Cùng quan điểm quản lý chặt đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đề nghị quy định chặt chẽ điều kiện đối tượng thụ hưởng theo hướng tương ứng với nhiệm vụ được giao và thời gian luân chuyển, tránh lãng phí, sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, biến tướng. Khi xong nhiệm vụ thì phải kết thúc sử dụng nhà công vụ để người đến nhận nhiệm vụ mới có nơi ở ngay.
Về nguồn lực đầu tư của nhà nước, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị quy định rõ việc thành lập các quỹ tài chính để thực hiện chính sách phát triển nhà ở phải theo hướng chủ yếu phục vụ cho đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở, phải là những người thu nhập thấp và gặp khó khăn về nhà ở, không nên dàn trải chính sách, không khả thi, không phù hợp hệ thống luật chuyên ngành khác có liên quan, làm phân tán nguồn lực.
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật đầu tư công. Với 89,36% số đại biểu biểu quyết thông qua Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của luật và 88,55% số đại biểu biểu quyết thông qua Điều 5, lĩnh vực đầu tư công, toàn văn Dự thảo luật Đầu tư công đã được biểu quyết thông qua với tỉ lệ 88,35% tổng số đại biểu tham gia. Luật Đầu tư công được thông qua gồm 6 Chương và 108 Điều.
Đức Nhuận