Đoàn ĐBQH tỉnh: Báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, QH13

Đăng ngày: 01/07/2014
​Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIII diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 20/5 đến ngày 24/6/2014. Sau hơn một tháng làm việc, với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, với nhiều vấn đề quan trọng. Kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn công việc đề ra

QC.jpg
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 đã diễn ra thành công tốt đẹp

I. Hoạt động lập pháp:

A. Thông qua 11 luật, 02 nghị quyết

* Thông qua 11 luật, gồm:

1. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi);

2. Luật đầu tư công;

3. Luật hải quan (sửa đổi);

4. Luật phá sản (sửa đổi);

5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế;

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa;

7. Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi);

8. Luật xây dựng (sửa đổi);

9. Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

10. Luật công chứng (sửa đổi);

11. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam

* Thông qua 02 nghị quyết, gồm:

1. Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội;

2. Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.

B. Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến:

Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 16 dự án luật khác để làm cơ sở cho việc xem xét thông qua tại kỳ họp sau, bao gồm: 1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 2. Luật Công an nhân dân (sửa đổi); 3. Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; 4. Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); 5. Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); 6. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); 7. Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); 8. Luật nhà ở (sửa đổi); 9. Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); 10. Luật đầu tư (sửa đổi); 11. Luật doanh nghiệp (sửa đổi); 12. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; 13. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; 14. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; 15. Luật căn cước công dân; 16. Luật hộ tịch.

Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Tuy nhiên qua thảo luận, nổi lên một số nội dung còn có ý kiến của các đại biểu rất khác nhau, nhất là quy định về thời hạn, thời điểm lấy phiếu và mức độ tín nhiệm. Xét thấy đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Nhà nước ta, tới quyền giám sát, đánh giá cán bộ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cần có thời gian chuẩn bị kỹ thêm, tạo sự đồng thuận cao hơn trước khi quyết định, Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lắng nghe ý kiến của cử tri để nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau; đồng thời, Quốc hội quyết định tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2014.

II. Hoạt động giám sát:

Quốc hội đã xem xét nhiều nội dung quan trọng phục vụ cho hoạt động giám sát. Cụ thể:

1. Xem xét các báo cáo: Bên cạnh việc xem xét các báo cáo theo quy định của pháp luật như các báo cáo công tác từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; các Báo cáo về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Báo cáo về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Báo cáo về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và Báo cáo về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công.

Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét các báo cáo khác đã được đưa vào chương trình kỳ họp (từ kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) như:

- Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2008-2013;

- Báo cáo về việc bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết số 18/2011/QH13 ngày 18/11/2012 của Quốc hội;

- Báo cáo việc thực hiện quản lý, sử dụng đất đai tại nông, lâm trường Quốc doanh;

- Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác khoán sản gắn với bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 535/NQ-UBTVQH13 ngày 12/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và lộ trình điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân;

- Báo cáo việc ban hành Văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức;

- Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề.

2. Giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012"

Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu tiếp tục duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước ít nhất 1,5%/năm, đối với các huyện nghèo giảm 4%/năm, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách, tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia của người nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các địa phương và nhân dân trong triển khai, quản lý và giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo, đảm bảo đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.

3. Xem xét và thông qua Nghị quyết chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015:

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Theo đó, cùng với những nội dung giám sát tối cao theo thông lệ.

Trong năm 2015, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề:

- “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tại kỳ họp thứ 9

- “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014” tại kỳ họp thứ 10.

4.  Giám sát qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn:

Tại kỳ họp này, có 189 văn bản chất vấn của đại biểu Quốc hội (Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 là 160 văn bản) gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã lựa chọn các thành viên Chính phủ và các nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm và đảm bảo sự hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Với thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng Thanh tra Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, ngành mình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau. 

III. Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng

A.Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế có xu hướng phục hồi với nhiều điểm sáng tích cực, đó là: tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, xuất khẩu tăng trưởng khá và có nhập siêu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, nhiều công trình quan trọng, nhất là giao thông đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và đảm bảo.

Quốc hội đã cơ bản tán thành những giải pháp Chính phủ đưa ra để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục lòng tin về môi trường đầu tư. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. và Nghị quyết về phân bổ sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương 2013. Trong đó, Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng và chi một số khoản thực sự cấp bách.

B. Vấn đề chủ quyền ở Biển Đông:

Quốc hội đã bổ sung vào chương trình nội dung nghe Báo cáo của Chính phủ và thảo luận về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Quốc hội đã thể hiện ý chí toàn dân, thảo luận kỹ, sâu sắc vấn đề nghiêm trọng này. Quốc hội đã ra Thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam trước đồng bào ta và dư luận quốc tế 4 điểm sau đây:

1. Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

2. Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.

3. Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

4. Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Quốc hội ta cũng đã gửi Công hàm tới Quốc hội và cộng đồng các nghị sĩ các nước.

IV. Về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh:

Tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có trên 40 lượt ý kiến tham gia thảo luận các dự án luật, các nội dung liên quan tại kỳ họp, trong đó có 12 ý kiến phát biểu tại  Hội trường.

Nhiều nội dung kiến nghị, hiến kế và giải pháp của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được Quốc hội xem xét, tiếp thu, bổ sung váo các Dự án luật, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Chất vấn và trả lời chất vấn được thông qua tại kỳ họp. Cụ thể:

- Quốc hội tiếp thu, bổ sung vào các dự án luật đã thông qua: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Đầu tư công; Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi)… và một số Dự án luật cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp.

- Quốc hội đã xem xét, đưa vào Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2015 của Quốc hội theo kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh nội dung "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014".

- Qua 15 nội dung chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh: 12 nội dung chất vấn bằng văn bản gửi tới 05 vị Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ cùng 03 nội dung chất vấn trực tiếp tại Hội trường (đối với Bộ trưởng: Bộ Tài Chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổng Thanh tra Chính phủ),

- Các nội dung chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được tiếp thu, đưa và Nghị quyết của Quốc hội về Chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng thời đã kịp thời trả lời những nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành Trung ương trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.