Đoàn ĐBQH tỉnh: Tăng cường công tác giám sát qua chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp

Đăng ngày: 04/07/2014
​Hoạt động giám sát qua chất vấn và trả lời chất vấn tại mõi kỳ họp là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri quan tâm. Quốc hội thường dành nhiều thời gian cho ĐBQH chất vấn các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp tại hội trường cũng như chỉ đạo tiếp nhận, tổng hợp các văn bản chất vấn chuyển đến người được chất vấn. Thông qua đó, sau mõi kỳ họp Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến của đại biểu để nhận định tình hình và có những chỉ đạo sâu sát, điều chỉnh và định hướng hoạt động của các, cấp ngành, thể hiện rõ tính dân chủ và hiệu quả trong công tác giám sát của đại biểu Quốc hội nói riêng và cử tri cả nước nói chung.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai là Đoàn luôn có số lượng câu hỏi chất vấn lớn và tăng qua các kỳ họp, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 có 11 nội dung chất vấn bằng văn bản gửi đến 08 vị Bộ trưởng, trưởng ngành và  02 nội dung chất vấn trực tiếp tại Hội trường đối với  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Công thương, bước sang kỳ họp thứ 7, số lượng nội dung chất vấn bằng văn bản là 12 nội dung gửi đến 05 vị Bộ trưởng, trưởng ngành và Thủ tướng chính phủ, đồng thời có 03 nội dung chất vấn trực tiếp tại Hội trường đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Tài chính và Tổng thanh tra Chính phủ.

1hinh chat van 4 nguoi (383 x 500).jpg
Hoạt động chất vấn của ĐBQH tỉnh Đồng Nai tại kỳ họp thứ 7, QH13

Sau phiên chất vấn tại Hội trường của kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, ngành mình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu ngành tài chính phải rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ của Chính phủ để có giải pháp cân đối vay và trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công trong dài hạn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và cân đối thu chi hợp lý để đảm bảo các nhu cầu chi trong dự toán, tăng khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước. Thực hiện chi ngân sách nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm; bội chi chủ yếu dành cho đầu tư phát triển, bên cạnh đó, ngành tài chính phải có biên pháp thực hiện tốt Luật giá và triển khai đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và có phương án sử dụng cũng như quản lý tốt nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, Quốc hội yêu cầu có biện pháp triển khai kịp thời, có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và hoàn chỉnh Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8 để triển khai tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Ngành Giáo dục phải tiếp tục rà soát và có giải pháp chấn chỉnh tình trạng mở trường đại học và tuyển sinh tràn lan, nâng cao chất lượng đào tạo, đưa giáo dục đại học vào nền nếp.

Các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ tư pháp, Quốc hội đề nghị có hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ tư pháp trong việc thẩm định, kiểm tra quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành và xử lý văn bản quy phạm pháp luật sai phạm. Tập trung triển khai các bước để trình Quốc hội dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất theo hướng đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành và tổ chức hướng dẫn, triển khai thi hành pháp luật.

Đối với ngành Thanh tra, Quốc hội yêu cầu có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân gắn với triển khai thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Quốc hội cũng yêu cầu từ nay đến hết năm 2014, ngành thanh tra phải chuẩn bị và trình Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện kết luận thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đức Nhuận