Rõ chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội

Đăng ngày: 24/10/2014
​Ngày 23/10/2014, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tập trung vào một số nội dung như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội...

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chính phủ thống nhất và tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về các nội dung như thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tuổi đời hưởng lương hưu trước mắt thực hiện theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động năm 2012 và tiếp tục nghiên cứu việc tăng tuổi nghỉ hưu để thực hiện khi điều kiện cho phép; có lộ trình thực hiện tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để đến năm 2018 thực hiện theo Điều 90 của Bộ luật Lao động (sửa đổi); bổ sung thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về việc đóng bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội...

IMG_7752 (500 x 375).jpg
ĐBQH Phạm Thị Hải phát biểu tại Hội trường về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Có nên giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH?

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Hải - Đoàn Đồng Nai đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về thanh tra. Bởi vì, cơ quan bảo hiểm xã hội là một tổ chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng, đầu tư sinh lời, bảo toàn và phát triển quỹ bảo hiểm xã hội. Không thể xem đây vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa là một tổ chức tài chính, đại biểu Hải cho rằng một tổ chức không thể "lưỡng tính" như thế được và cũng cần phải xác định chính danh để phân công phân nhiệm vụ cụ thể.

Mặt khác, việc giao chức năng thanh tra cho cơ quan bảo hiểm xã hội cũng không phù hợp với quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành. Điều này cũng không đúng với Nghị định 05 ngày 17/1/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bảo hiểm xã hội Việt Nam và cũng mâu thuẫn với Điều 8 của dự án luật đã xác định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Nếu giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho bên bảo hiểm xã hội thì có sự chồng chéo, đó là một cơ quan, tổ chức vừa có thanh tra chuyên ngành của lao động, thương binh và xã hội vừa có thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 13 của dự án luật.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội chính là quản lý quỹ, chi trả cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đầu tư, sinh lời, hưởng lương và chi phí quản lý. Do đó, đề nghị luật quy định rõ cơ quan bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp công, không giao chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Việc quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 8, 10, 11 và Điều 12 của Dự án Luật. Cần bổ sung cơ chế hợp đồng bảo hiểm xã hội và cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xã hội, cơ chế giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội, bảo đảm thống nhất với Bộ luật dân sự, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật tổ chức Chính phủ, Luật thanh tra

Xác định rõ mức lương đóng BHXH

Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 89, Luật bảo hiểm xã hội hiện hành quy định mức lương đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương ghi trên hợp đồng lao động. Đây chính là kẽ hở của pháp luật vì đa số các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động với mức lương được ghi trên hợp đồng lao động thấp hơn rất nhiều so với thu nhập thực tế của người lao động. Dự thảo luật quy định, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Thực tế ngoài tiền lương, doanh nghiệp còn trả cho người lao động các khoản phụ cấp lương như: phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, phụ cấp nặng nhọc, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên và tiền thưởng. Các khoản này thường không cố định, vì vậy việc tính cụ thể và chi tiết để áp dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Do đó, Đại biểu Phạm Thị Hải đề nghị quy định cụ thể các khoản phụ cấp, lương phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: tiền lương cộng với phụ cấp theo Điều 90 của Bộ Luật lao động năm 2012 và cần xem xét cho áp dụng ngay sau khi luật có hiệu lực thi hành chứ không phải chờ đến năm 2018, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Theo đại biểu Hải, Luật bảo hiểm xã hội là một bộ luật rất quan trọng, góp phần vào công tác an sinh xã hội, ảnh hưởng lớn đến đông đảo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động. Vì vậy, Quốc hội cần cân nhắc thêm về công thức tính lương hưu hàng tháng trong dự án luật sửa đổi để luật mới không là một bước lùi so với quy định của luật hiện hành.

Đức Nhuận