Tại Kỳ họp truớc
(kỳ 7) các vị đại biểu Quốc
hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sau đó,
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm
tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh
dự án Luật, tổ chức lấy ý kiến của các Hiệp hội, chuyên gia, gửi xin ý kiến các
Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức thảo luận tại Hội trường tại kỳ họp thứ 8 về
các nội dung như loại bất động sản và điều kiện đưa các loại bất động sản vào
kinh doanh, về điều kiện tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản,
hoạt động kinh doanh bất động sản của cá nhân, tổ chức trong nước và người Việt
Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quốc hội cũng
thảo luận về các quy định bán, cho thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng hình
thành trong tương lai...
ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)
Tham gia phát biểu về
Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Thị
Thu Hằng - Đoàn Đồng Nai cho rằng việc quy định vốn pháp định tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh
doanh bất động sản, nhằm đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản
là cần thiết nhưng không thể quy định chung cho các doanh nghiệp vì các loại dự
án bất động sản khác nhau về quy mô, tính chất, công năng, mục đích đầu tư,
cũng như tổng mức đầu tư, nên. Sửa đổi luật lần này cần tính đến mối tương quan
giữa vốn pháp định tối thiểu của doanh nghiệp với quy mô các dự án và số lượng
các dự án doanh nghiệp được phép đầu tư, kinh doanh. Có như vậy thị trường bất
động sản mới có thể đảm bảo an toàn, phát triển lành mạnh, tránh các hệ lụy xảy
ra.
Tại Khoản 1, Điều 12 của Dự án Luật có quy định yêu cầu đối
với dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải
theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê quyệt. Trong
khi đó Luật bảo vệ môi trường mới được thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực
thi hành từ ngày 01/01/ 2015 nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững trên cơ sở
kết hợp kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến độ xã
hội và bảo vệ môi trường. ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng việc bảo vệ môi trường
là hết sức quan trọng, nên cần phải được nhấn mạnh trong dự luật này. Đại biểu
Hằng kiến nghị Ban soạn thảo sửa đổi Khoản 1, Điều 12 của dự luật thành "Dự án đầu tư bất động sản để kinh
doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi
trường, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải theo kế
hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".
Đức Nhuận