Tăng thẩm quyền điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Đăng ngày: 28/10/2014
​Chiều ngày 27/10/2014, tại Hội trường kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) như về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương; về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của Viện kiểm sát (VKSND)…

IMG_7797HVN (500 x 396).jpg
ĐBQH Hồ Văn Năm phát biểu tại phiên thảo luận

 Dự thảo luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) trình tại kỳ họp này đã lược bỏ các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh như quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND và một số quy định liên quan như về quy định về chức danh Trợ lý điều tra viên, chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chế độ đối với người nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong ngành Kiểm sát, chế độ khen thưởng… vì các đối tượng trên thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật về tố tụng và các luật chuyên ngành khác.

Tăng thẩm quyền điều tra của VKSNDTC

 Với thẩm quyền điều tra của VKSNDTC như quy định hiện hành thì việc làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ gặp khó khăn do cơ quan điều tra không đồng thời được điều tra hành vi phạm tội khác mà hành vi đó chính là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ vụ án, để ra bản án, quyết định trái pháp luật dẫn đến oan, sai). Đồng thời, qua kết quả giám sát còn cho thấy ngoài cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp thì người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (như người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành một số hoạt động điều tra) cũng có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhục hình, làm sai lệch thông tin tội phạm, bắt giữ người trái pháp luât…).

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hồ Văn Năm, Đoàn Đồng Nai đề nghị giao cho cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân điều tra các vụ án làm lộ bí mật nhà nước và thiếu tinh thần trách nhiệm, tham nhũng do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, nhằm tăng cường hiệu quả, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.

Các tội phạm cụ thể xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương sẽ do Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quy định.

Quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND

Đại biểu Hồ Văn Năm cho rằng, cần giao quyền khởi tố vụ án dân sự cho VKSND trong những trường hợp Bộ luật Tố tụng dân sự quy định để bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần. Như thế sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân đã được quy định tại Khoản 3, Điều 107, Hiến pháp năm 2013. Theo đại biểu Hồ Văn Năm, từ năm 2004 đến nay, khi không giao nhiệm vụ, quyền hạn cho VKSND quyền khởi tố án dân sự mà giao cho các cơ quan tổ chức nhà nước thì số lượng vụ việc vi phạm đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, nhân dân do cơ quan tổ chức nhà nước khởi tố vụ án dân sự rất hạn chế. Nguyên nhân là do điều kiện tiếp cận thông tin và phát hiện các vụ việc của cơ quan tổ chức nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trong quá trình VKSND thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã có đầy đủ thông tin và điều kiện cơ sở để phát hiện các lợi ích nhà nước, lợi ích của công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, lợi ích của người có nhược điểm về thể chất và tâm thần bị xâm phạm để kịp thời khởi tố và đề nghị tòa án bảo vệ các lợi ích trên, vì vậy, giao quyền khởi tố, các vụ án dân sự cho VKSND để khởi kiện ra tòa là hợp lý.

Đức Nhuận