Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng
Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng
không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Để tạo thuận lợi cho Dự án trong quá trình triển khai, Chính
phủ kiến nghị Quốc hội xem xét một số cơ chế đặc thù cho Dự án như thu hồi đất, giải phóng mặt
bằng (GPMB) một lần
trong giai đoạn 1 cho toàn bộ các giai đoạn của dự án (có khác so với quy định
của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định thu hồi đất theo tiến độ dự án); Được miễn thuế sử dụng đất khu bay;
Chính phủ kiến nghị giao
cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý các khu đất dành cho xây dựng nhà ga hành khách
cùng các công trình liên kết, phụ trợ và không thu tiền sử dụng đất. Được phép dùng quyền sử dụng
đất để tham gia góp vốn cho các dự án nói trên mà Tổng công ty Cảng hàng không
Việt Nam kêu gọi đầu tư nguồn vốn xã hội hóa; Được miễn thuế nhập khẩu cho các
trang thiết bị, máy móc nhập ngoại trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất
được nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án; Cho phép sử dụng
khoản tiền thu tiền cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các
công ty con để giảm phần vốn ngân sách cần bố trí cho công tác GPMB Giai đoạn
1a của Dự án; Có chính sách mở rộng miễn thị thực xuất nhập cảnh để thu hút
khách quốc tế đến Việt Nam; Mở cửa bầu trời, tự do hóa các thương quyền vận chuyển hàng không
theo lộ trình cam kết.
Theo báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng
hàng không quốc tế Long Thành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Báo cáo đầu tư dự án cảng HKQT Long Thành đã
đáp ứng những nội dung chủ yếu theo yêu cầu của giai đoạn lập Báo cáo đầu tư
(báo cáo tiền khả thi) quy định tại Nghị quyết 49 của Quốc hội. Tuy nhiên,
trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, đề
nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng
Cảng HKQT trung chuyển Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn
đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác
định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối
tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho
ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư
nhân, nhà đầu tư nước ngoài; đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối
với vấn đề nợ công; tác động của Cảng HKQT Long Thành đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của ngành hàng không Việt Nam; đề xuất
các cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua
chủ trương đầu tư Dự án.
Đức Nhuận