Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tại Hà Nội
Nhìn chung, trong 9
tháng đầu năm 2014, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều
nỗ lực, cố gắng trong thực hiện theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến vào các nội dung quan trọng của đất nước, tham gia góp ý các dự án luật tại kỳ họp...
Hoạt động xây dựng pháp luật
ngày càng đổi mới như tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến góp ý các
dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật kinh
doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Với sự chủ động trong xây dựng chương trình, kế hoạch
và bố trí thời gian hợp lý trong triển khai thực hiện nên công tác giám sát của
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hoàn thành khối lượng công việc theo kế hoạch đã
đề ra với 4 cuộc giám sát chuyên đề, qua giám sát, đã có 66 kiến nghị liên quan
đến các nội dung giám sát (Trung ương: 37, địa phương: 29). Các kiến nghị qua
giám sát được theo dõi, hệ thống thường xuyên, nhiều kiến nghị sau giám sát của
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được các cơ quan thẩm quyền địa phương quan tâm giải
quyết. Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức giám sát, khảo sát thường xuyên, giám sát qua
qua chất vấn, giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, phối hợp giám
sát với cơ quan trung ương…
Công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc
giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân của cơ quan thẩm quyền từng bước
được chuyên môn hóa, đi vào nề nếp và ngày càng được tăng cường thông qua hoạt
động tiếp công dân của đại biểu Quốc hội (ngày thứ năm) và phối hợp với Hội Luật
gia tỉnh tiếp công dân (ngày thứ ba) hàng tuần. Công tác giám sát việc trả lời
ý kiến, kiến nghị cử tri của các cơ quan thẩm quyền được thường xuyên quan tâm,
hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được các cơ quan thẩm quyền địa
phương quan tâm xem xét, giải quyết và trả lời đúng theo quy định pháp luật.
Qua đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội
và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2914, hoạt động tiếp xúc cử tri
của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng đa dạng thông qua việc tổ chức các cuộc
tiếp xúc cử tri theo chuyên đề (tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý dự án luật),
tiếp xúc cử tri theo ngành, nơi cư trú, công tác… đã tạo điều kiện cho đại biểu
gần với cử tri hơn, đồng thời tạo điều kiện cho cử tri giám sát hoạt động của đại
biểu Quốc hội. Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu đã tiếp nhận được nhiều nội
dung phong phú, sát thực, đúng trọng tâm, làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội tham
gia góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn tồn
tại, hạn chế nhất định như một số đại biểu Quốc hội chưa chủ động bố trí thời
gian hợp lý để tham gia các hoạt động theo kế hoạch, chương trình đã xác định,
nên mức độ tham gia góp ý xây dựng các dự án luật, tham gia giám sát có ảnh hưởng
nhất định đến hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Việc giám sát
việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan thẩm quyền vẫn
còn một số hạn chế như việc trả lời (bằng văn bản) của cơ quan thẩm quyền có
tăng lên nhưng chất lượng chưa cao, nhiều văn bản trả lời còn chung chung,
không đưa ra biện pháp giải quyết cụ thể, hoặc không giải trình rõ những vấn đề
đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu; Thực hiện quy chế phối
hợp hoạt động (Quy chế số 01/QCPH ngày 17/05/2013) giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn
hạn chế; Công tác tham mưu phục vụ của Văn phòng (Phòng công tác đại biểu Quốc
hội) tuy có nhiều cố gắng nhưng việc tổng hợp, xây dựng một số báo cáo tổng hợp
ý kiến góp ý các dự án luật có lúc chưa kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng xây
dựng pháp luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Đức Nhuận