Cơ quan nào quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp?

Đăng ngày: 05/11/2014
​Sáng 05/11/2014, Quốc hội đã nghe đồng chí Đào Trọng Thi, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề (dự thảo luật) và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.

PTH (500 x 375).jpg
ĐBQH Phạm Thị Hải phát biểu tại Hội trường

Qua ý kiến phát biểu, hầu hết các ĐBQH đều nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các nội dung của dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với tên gọi của luật là Luật giáo dục nghề nghiệp vì bảo đảm thống nhất với Hiến pháp và giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn. Các vị đại biểu cho rằng cần sắp xếp lại các trình độ giáo dục nghề nghiệp gồm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Nhiều ý kiến góp ý về kỹ thuật văn bản và yêu cầu bảo đảm tính khả thi của luật, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật và cần cân nhắc thêm về thời gian thông qua luật tại kỳ họp này.

Đại biểu Phạm Thị Hải - đoàn Đồng Nai cho rằng bất cập lớn nhất của dự thảo luật là thiếu những điều khoản quy định về tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch phát triển mạng lưới trường nghề trên phạm vi của cả nước. Đây chính là điều kiện tiên quyết để cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong công tác quản lý, điều hành đối với hoạt động đào tạo nghề. "Ban soạn thảo cần quy định rõ trong luật về quy hoạch mạng lưới theo vùng, theo địa phương, cần có sự phân bố trường chất lượng cao ở các vùng kinh tế động lực và hình thành trung tâm dạy nghề theo vùng, trong đó ưu tiên cho ngoài công lập. Điều đó hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định 630 của Chính phủ" - đại biểu Hải phát biểu

Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng  việc giao cho bộ nào thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của bộ đó đã được pháp luật quy định trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, trước hết là sự thống nhất về quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục quốc dân đã được Hiến pháp và Luật Giáo dục quy định.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Hải đề nghị giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thay vì để cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận quản lý nhà nước về tất cả các hoạt động giáo dục và đào tạo, việc việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cũng sẽ có tính hệ thống hơn, dễ phân biệt giữa trình độ cao đẳng nghề và các trình độ cao đẳng khác cũng như xây dựng chương trình đào tạo sẽ mang tính liên thông giữa các trình độ trong hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân hơn so với hiện nay. Mặt khác, nếu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề thì việc phân bổ ngân sách cho giáo dục và đào tạo cũng sẽ tập trung vào một đầu mối nhằm tinh giảm cơ cấu bộ máy quản lý, góp phần tiết kiệm chi phí quốc gia.

Đức Nhuận