Vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh: Rõ mô hình đại diện chủ sở hữu

Đăng ngày: 11/11/2014
​Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 11/11/2014, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư; Về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước...

Việc ban hành luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn, tránh thất thoát sử dụng vốn của nhà nước hiệu quả hơn thông qua tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng không can thiệp quá sâu bằng mệnh lệnh hành chính vào công việc điều hành, quản lý của doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các đại biểu đề nghị việc ban hành luật này phải tạo ra một sự đột phá về thể chế để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước. Phải có một sự đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giữa luật này với các luật khác có liên quan, đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp. Đặc biệt phải phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, từ Chính phủ, bộ, ngành, Trung ương đến cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

TVV QLVNN (500 x 454).jpg
 ĐBQH Trương Văn Vở phát biều tại phiên thảo luận

Phiên thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu về quyền trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và đối với doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và mô hình đại diện chủ sở hữu của nhà nước. Trong bối cảnh đất nước đã và đang tiến hành mạnh mẽ việc cải cách thể chế nói chung và cải cách thể chế tài chính công nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần xác định lại mô hình tập trung để quản lý vốn của nhà nước trong tương lai khắc phục những bất cập trong mô hình hiện nay.

Đại biểu Trương Văn Vở - đoàn Đồng Nai cho rằng Dự án Luật cần quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn đầu tư của nhà nước. Đây chính là cơ sở để gắn kết giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp với quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước để bảo đảm sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và gia tăng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Cũng theo đại biểu Trương Văn Vở thì trong luật cần quy định việc thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp để các cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện để tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược cho các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đức Nhuận