Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành ngay tại kỳ họp thứ 8
Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long
Thành vì Cảng HKQT Tân Sơn Nhất quá tải, việc mở rộng là khó khăn và chi phí đền
bù giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn. Nhìn ở tầm chiến lược và dài hạn, việc đầu
tư Cảng HKQT Long Thành là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội
của đất nước và theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực, vị trí của
Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng.
Một số ý kiến đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ngay tại
kỳ họp thứ 8 để Chính phủ tiến hành lập Báo cáo khả thi dự án trình Quốc hội tại
kỳ họp thứ 9 vì đây là dự án quan trọng, cần thiết, nếu Quốc hội cho chủ trương
thì nhanh nhất cũng phải năm 2023 mới đưa vào sử dụng, do đó vấn đề thời gian
là rất cấp thiết. Có ý kiến cho rằng việc đi vay để đầu tư mà đảm bảo hiệu quả
kinh tế và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì vẫn
cần thiết. Một số ý kiến băn khoăn thời điểm thực hiện đầu tư dự án, tán thành
phải có đột phá về hạ tầng nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, cân nhắc
vấn đề nợ công hiện nay, khả năng vay vốn và trả nợ, tác động của việc xây dựng
dự án đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đa số ý kiến đại biểu cho rằng việc xây dựng cảng HKQT Long Thành phù hợp
với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành GTVT. Vị
trí xây dựng Cảng HKQT Long Thành theo Báo cáo của Chính phủ có vị trí thuận lợi,
khoảng cách từ Long Thành đến trung tâm TP. Hồ Chí Minh không xa và Đông Nam Bộ
là vùng kinh tế năng động, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách nên việc đầu tư
xây dựng sân bay ở vùng này sẽ đáp ứng quá trình phát triển kinh tế vùng; sân
bay đáp ứng được yêu cầu quốc phòng; khu vực dự kiến xây dựng sân bay chủ yếu
đang dùng để trồng cao su, số nhà dân trong khu vực này ít nên việc thu hồi đất,
giải phóng mặt bằng sẽ rất dễ dàng, thuận lợi.
Có ý kiến cho rằng suất đầu tư (số tiền đầu tư trên 1 hành khác của các
nước trong khu vực trung bình chỉ 81 USD/ hành khách) nhưng chi phí cho sân bay
Long Thành lại quá cao 187 USD/ hành khách, đề nghị làm rõ. Đại biểu đề nghị bổ
sung đánh giá tác động xã hội của dự án theo hướng tách hai chỉ số hiệu quả xã
hội và kinh tế để phân tích làm rõ hiệu quả đầu tư; đề nghị làm rõ hơn lợi ích
kinh tế gián tiếp, lợi ích xã hội; làm rõ hơn lợi ích mà cảng HKQT Long Thành
mang lại trong 10-20 năm tới trong tương quan so sánh với việc mở rộng sân bay
Tân Sơn Nhất
Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, có ý kiến cho rằng trên thế giới
có những cảng hàng không nhỏ nhưng lượng hành khách rất lớn, như vậy dự kiến
sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha có hợp lý không, ở Singapore sân bay
chỉ có diện tích hơn 1.300 ha. Đề nghị làm rõ quy hoạch sử dụng 5.000 ha đất,
tránh tình trạng đô thị hóa như Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa. Nhiều
ý kiến tán thành phương án thu hồi đất 1 lần cho toàn bộ dự án để tránh phát
sinh chi phí đền bù, GPMB khi thực hiện các giai đoạn tiếp theo và đề nghị có sớm
phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thống nhất và tổ chức thực hiện giải
phóng mặt bằng dứt điểm một lần để tránh vướng mắc, khiếu nại, tố cáo từ người
dân.
Vào chiều 14/11/2014, Quốc hội sẽ có phiên thảo luận toàn thể tại hội
trường về Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành.
Đức Nhuận