Sân bay Long Thành: Biến thách thức thành cơ hội

Đăng ngày: 15/11/2014
​Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều 14/11/2014, Quốc hội đã có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án đầu tư Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành. Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

​    Tại buổi thảo luận, các ĐBQH tập trung thảo luận về sự cần thiết đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành GTVT. Các phương án về đầu tư, huy động vốn, phân kỳ đầu tư, thời điểm và tổng mức đầu tư dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng được các ĐBQH cho ý kiến.

     Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành nhằm tạo động lực mới đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước . Việc chọn Long Thành để đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải.

TVV LT (500 x 332).jpg
ĐBQH Trương Văn Vở phát biểu tại buổi thảo luận về Dự án Càng HKQT Long Thành

    Đại biểu Trương Văn Vở - đoàn Đồng Nai cho rằng việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cơ hội thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của đất nước đến năm 2020 mà nghị quyết của Đại hội Đảng đã xác định, đồng thời phát huy về lợi thế địa chính trị của quốc gia được đánh giá là an toàn, ổn định về chính trị, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển năng động, mang tính chiến lược phát triển của đất nước, nhất là hấp dẫn về thu hút đầu tư trong hiện tại và tương lai của các địa phương trong vùng kinh tế động lực.

    Đây là một dự án phù hợp với hệ thống quy hoạch đã được duyệt từ năm 2005 đến nay, đó là các quy hoạch tổng thể việc phát triển ngành giao thông vận tải, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai đồng thời phù hợp với quy hoạch triển khai các dự án theo quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ kết nối đã và đang triển khai.

    Các đại biểu Quốc hội cũng còn băn khoăn bởi tình hình kinh tế đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, nợ công lớn, băn khoăn về phương án huy động vốn, khả năng trả nợ khi đầu tư xây dựng dự án với vốn lớn như thế này sẽ ảnh hưởng tới an nình tài chính Quốc gia.

    Theo đại biểu Trương Văn Vở thì đây là bài toán khó, nhưng giải được với điều kiện đặt ra là ngay tại kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất xem xét cho chủ trương lập dự án để đến kỳ họp sau Quốc hội xem xét quyết định về chủ trương đầu tư trên cơ sở luận chứng lý giải cụ thể, rõ ràng hơn các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm theo hướng làm rõ tác động của dự án về khả năng cạnh tranh các sân bay khác trong khu vực và luận chứng rõ vị thế chiến lược mà sân bay đạt được trong tương lai, cơ quan lập dự án cần xem xét thêm là quy mô nguồn lực về vốn, quy mô về đất đai vì dự án này rất cần huy động nguồn lực từ thị trường vốn quốc tế, và khu vực tư nhân

    Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị xác định lựa chọn nhà đầu tư, kể cả việc cân nhắc kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân và tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án và công bố rõ lộ trình thực hiện bồi thường tái định cư, kể cả xử lý việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho dân cư vùng dự án, xem đây là việc cần phải đi trước một bước theo luật định. Các cơ quan hữu quan cần nêu cao tinh thần công khai, minh bạch về tính khả thi của dự án để Quốc hội sớm xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nhằm tạo được lòng tin trong nhân dân, sẽ biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

DTQ LT (500 x 332).jpg
ĐBQH Dương Trung Quốc đề nghị quan tâm đến ý kiến phản biện xã hội đối với Dự án Cảng HKQT Long Thành
  

   Theo đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai thì cần có chính sách mời gọi đầu tư yếu tố nước ngoài để tận dụng vốn và kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới, cần quan tâm hơn đến những ý kiến phản biện của xã hội và mời những nhà chuyên gia, những tổ chức độc lập trong nước và quốc tế để có thể thẩm định một cách khách quan về dự án làm cơ sở cho ĐBQH xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.

    Có ý kiến đại biểu đề nghị xem xét lại tính cấp thiết của dự án để quyết định thời điểm nào đầu tư phù hợp và phân kỳ đầu tư thế nào cho hợp lý, hiệu quả, cân nhắc quy mô dự án sử dụng đất rộng lớn nhất là tính toán lại tổng mức chi phí đầu tư so với các sân bay khác cùng quy mô trong khu vực và làm rõ hiệu quả đầu tư, sự tác động về kinh tế - xã hội, làm rõ phương án thu hồi đất một lần hay nhiều lần và phương án bồi thường tái định cư thế nào để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án, tính toán lại con số dự báo tăng trưởng hành khách cũng như khối lượng hàng hóa trên cơ sở khi Long Thành đưa vào sử dụng thì đã khai thác hết công suất của Tân Sơn Nhất.

Đức Nhuận