Hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Đăng ngày: 16/03/2015
​Chiều 13/3, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng các vị ĐBQH cả nước đã có buổi chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử thông qua hình thức truyền hình trực tuyến. Tại điểm cầu Đồng Nai có đồng chí  Trương Vở – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh và lãnh đạo một số ban, ngành có liên quan của tỉnh cùng tham dự.

IMG_8718 (500 x 375).jpg
Điểm cầu Đồng Nai trong buổi trực tuyến chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời các chất vấn về việc thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, làm rõ những khó khăn, thách thức và triển vọng, kết quả đến hết năm 2015; Thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số; Giải pháp giải quyết vấn đề ma túy và và một số hủ tục, mê tín dị đoan trong vùng dân tộc thiểu số... 

Chương trình 135 là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ dành cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, là một trong những chính sách dân tộc quan trọng nhất trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Chương trình đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, giảm nghèo nhanh, tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vừng đặc biệt khó khăn.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, Chương trình 135 cùng với các chương trình, chính sách khác đã góp phần tích cực vào giảm tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, từ tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 55% (năm 2012),đến nay còn khoảng 45%, hệ thống điện, đường, trường, trạm được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng yêu câu phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có chính sách đầu tư đặc biệt tại vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Thông qua nhiều chính sách ưu đãi mà trọng tâm là Chương trình 135 đã có tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới; góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh, trật tự xã hội.

Tại phiên chất vấn, các ĐBQH đề nghị Ủy ban dân tộc rà soát lại hệ thống chương trình mục tiêu Quốc theo hướng cắt giảm và thực hiện lồng ghép các chương trình với nhau để phù hợp với tình hình thực tiễn và tiết kiệm ngân sách. Cần rà soát, đánh giá các chính sách đang thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó đưa ra các giải pháp tích cực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người dân vùng miền núi, biên giới và hải đảo...

Sau buổi chất vấn, Bộ trưởng Giàng Seo Phử thừa nhận trách nhiệm tham mưu của Ủy ban dân tộc với Chính phủ còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước cử tri về những thiếu xót trong quá trình chỉ đạo, điều hành và trong thời gian tới, Ủy ban dân tộc sẽ có những rà soát, điều chỉnh trong công tác, trong chỉ đạo điều hành để tham mưu cho Chính phủ có những chính sách thiết thực, giải pháp hiệu quả nhăm cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc vùng miền núi, hải đảo...

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn của ĐBQH về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.Tham gia giải trình và làm rõ thêm những vấn đề liên quan có lãnh đạo các Bộ Công an, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đảm bảo việc xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội; đồng thời, không bỏ lọt tội phạm. Trong số 35 trường hợp nêu trên, đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 21 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị). Tuy nhiên cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 03 trường hợp để làm rõ thêm các căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Đối với 11 trường hợp còn lại, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, để xảy ra oan sai thì bên cạnh nguyên nhân một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, thì việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới Hội đồng xét xử bị phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập; một số trường hợp việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, trong khi đó việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết được vài trò của những người tham gia tố tụng, dẫn đến sai sót trong việc giải quyết vụ án.

Tại phiên chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã giải trình cơ bản những ý kiến chất vấn của các đại biểu. Chánh án Trương Hòa Bình đã nêu một số giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác xét xử và hạn chế tối đa kết án oan cho người vô tội. 

Đức Nhuận