Chào mừng sự kiện Việt Nam là thành viên Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016

Đăng ngày: 20/03/2015
​Nhân sự kiện Việt Nam được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu là một trong 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2014-2016) và là quốc gia có số phiếu cao nhất (184/193) trong số 14 thành viên mới được bầu; thực hiện theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vừa qua, ngày 29/11/2013, tỉnh Đồng Nai long trọng tổ chức Chương chào mừng sự kiện chính trị quan trọng này.
 

​     Thành phần tham dự với khoảng 1000 đại biểu, bao gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ; đại diện Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và đại diện các chức sắc tôn giáo tỉnh...; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Hội Nạn nhân chất độc da cam - Dioxin tỉnh; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh; đại diện giáo viên, học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn thành phố Biên Hòa; lực lượng đoàn viên thanh niên của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện, ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, thị thành phố; Thường trực các đảng ủy trực thuộc tỉnh; đại diện Ban Đại diện Phật giáo, ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện, thị, thành phố và đại diện các chức sắc tôn giáo huyện, thị, thành phố Biên Hòa.

 

      Đây là đợt sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền sâu rộng để cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được những thành tựu và các giá trị nhân quyền mà Việt Nam đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong hàng chục năm qua và đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ghi nhận bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 12/11/2013 (theo giờ Việt Nam) vừa qua. Đồng thời tiếp tục đấu tranh, phản bác, làm thất bại các luận điệu xuyên tạc, ý đồ xấu, chống phá Đảng, Nhà nước ta về nhân quyền.

     Sau đây, Bản tin HĐND tỉnh xin trích một số nội dung trong tài liệu tuyên truyền về việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc của Ban Tuyên giáo Trung ương đến cùng bạn đọc:

     Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, có tiếng nói quan trọng nhất trong hệ thống các thể chế của Liên hợp quốc về quyền con người, góp phần thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ trên phạm vi toàn cầu các quyền con người và tự do cơ bản một cách công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Hội đồng Nhân quyền được thành lập năm 2006 trên cơ sở kế thừa cơ quan tiền thân là ủy ban Nhân quyền.

DSC05647.JPG
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình chào mừng sự kiện tại tỉnh Đồng Nai
tổ chức vào ngày 29/11/2013​

 

     Hội đồng có 47 nước thành viên, phân bổ theo nguyên tắc cân bằng về khu vực địa lý. Thành viên Hội đồng Nhân quyền được chia thành 5 khu vực địa lý với số thành viên phân bổ cụ thể là: Nhóm châu Á và Nam Thái Bình Dương được 13 ghế, Nhóm châu Phi 13 ghế, Nhóm Đông Âu 6 ghế, Nhóm Mỹ La tinh và Ca-ri-bê 8 ghế, Nhóm Tây Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế. Tất cả các nước thành viên khác của Liên hợp quốc đều là quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền.

     Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, không được tái cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Hàng năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bầu mới 1/3 số thành viên Hội đồng Nhân quyền theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và theo đa số thường, mỗi nước thành viên Liên hợp quốc có một phiếu. Tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc đều có quyền ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Khi bỏ phiếu, các nước thành viên Liên hợp quốc sẽ cân nhắc trên cơ sở những đóng góp của từng ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như những cam kết tự nguyện của họ trong lĩnh vực này.

     Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, là minh chứng khảng định tính đúng đắn trong đường lối, chính sách về quyền con người của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách nhất quán của ta là tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. Sau khi vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam càng có điều kiện để đẩy mạnh hơn nữa chính sách tiến bộ này.

     Được bầu vào Hội đồng Nhân quyền cũng là một thắng lợi quan trọng của Đối ngoại Việt Nam, thể hiện uy tín và vị thế cao của đất nước trên trường quốc tế nói chung và trong khuôn khổ Liên họp quốc nói riêng. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá, vu cáo, xuyên tạc sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhằm làm giảm uy tín của nước ta, thậm chí còn công khai kêu gọi phản đối việc bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền.

    Việc ta trúng cử với số phiếu rất cao không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu ta đã đạt được trong lĩnh vực đảm bảo quyền con người, mà còn bác bỏ một cách thuyết phục những luận điệu của các thế lực thù địch, nhất là các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài xuyên tạc về tình hình Việt Nam, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền.

     Thắng lợi này bắt nguồn từ những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đem lại cho người dân sự hưởng thụ ngày càng đầy đủ hơn các quyền con người và quyền công dân. Xuyên suốt quá trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Định hướng đó được thể chế hóa trong hệ thống các vẫn bản quy phạm pháp luật mà cao nhất là Hiến pháp; được cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; được minh chứng rõ nét trong mọi mặt đời sống của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng...

    Thắng lợi này là kết quả của việc tích cực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, trong đó, việc ta đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một minh chứng.

     Việc nước ta trúng cử với sổ phiếu cao còn xuất phát từ việc ta đã triển khai công tác vận động ứng cử trong gần 3 năm một cách toàn diện, rộng khắp và hiệu quả ở nhiều cấp, kể cả Lãnh đạo cấp cao, với tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đặc biệt là ờ Hà Nội, thủ đô các nước, các trụ sở của LHQ và các tổ chức quốc tế, trong đó có New York, nơi diễn ra phiên bỏ phiếu.

     Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong ba năm tới, Việt Nam sẽ tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm, đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, một mặt phát huy quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, mặt khác thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên hợp quốc.

     Tham gia Hội đồng Nhân quyền, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị, kết quả tích cực về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp-quốc, đồng thời phản bác các thông tin và luận điệu sai trái về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ta cũng có thêm điều kiện tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.

     Ta cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc về quyền con người.

     Việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất thể hiện sự tín nhiệm của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

    Ngay sau khi được công bố trúng cử, Việt Nam đã nhận được những lời chúc mừng của bạn bè quốc tế, chia sẻ niềm vui với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, bày tỏ Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

     Tại Liên hợp quốc, bạn bè quốc tế và các phái đoàn thường trực các nước đều ca ngợi uy tín và những đóng góp của Việt Nam vào quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới, cũng như chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân của người dân, đồng thời bày tỏ tin tưởng việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ góp phần thúc đẩy những giá trị và hoạt động của Hội đồng trong việc bảo vệ quyền con người.

     Dư luận quốc tế tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chính giới, giới ngoại giao nước ngoài và báo chí quốc tế đánh giá Việt Nam trúng cử là thành công của chính sách đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, phản ánh vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, thể hiện thế và lực của Việt Nam đang ngày một vững chắc hơn. Một số tổ chức phát triển quốc tế cho rằng, nhiệm kỳ sắp tới của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam bày tỏ quan điểm và chia sẻ các kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực nhân quyền, góp phần làm phong phú thêm và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của LHQ. Cùng với các thành viên khác, Việt Nam tranh thủ được những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.

                                                                     Thu Hương (Tổng hợp)