Hội thảo góp ý Dự án Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật

Đăng ngày: 08/04/2015
Để chuẩn bị thông qua Dự thảo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tới đây, vừa qua, Bộ Tư pháp (ngày 30/3/2015) và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ngày 07-08/4/2015) đã phối hợp với Dự án phát triển lập pháp Quốc gia tại Việt Nam tổ chức các buổi Hội thảo về lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Ban hành VBQPPL. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trương Văn Vở đã dự hội thảo của Ủy ban Pháp luật tổ chức. ​

 DSC_0206 (500 x 281).jpg
Quang cảnh Hội thảo (ĐBQH Trương Văn Vở - bìa trái)

Dự án Luật Ban hành VBQPPL trình Quốc hội thông qua kỳ này đã được xây dựng theo định hướng: Đổi mới cơ bản và toàn diện quy trình xây dựng VBQPPL; Thu gọn các hình thức VBQPPL; Mở rộng, phát huy dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng VBQPPL; Có cơ chế, chính sách để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp; Xác định rõ phạm vi điều chỉnh dự án luật    
             
Cơ quan soạn thảo Dự án luật cho rằng giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, thi hành văn bản quy phạm pháp luật chính là chuẩn hóa các khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật”, “hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật”..., từ đó nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong thực tế; Phân biệt rõ thẩm quyền lập pháp, lập quy, ủy quyền lập pháp, lập quy; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, tạo cơ sở cho việc phân định thẩm quyển nội dung của các chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Làm rõ quy trình đề xuất, xây dựng, hoạch định chính sách và quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương; Tăng cường kiểm soát, xử lý việc hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường năng lực tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật; Đổi mới kỹ thuật xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách; xây đựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngắn gọn, cụ thể, đáp ứng yêu cầu phản ứng linh hoạt đối với thực tiễn và đầu tư cho hoạt động xây dựng, thỉ hành pháp luật theo tư duy đầu tư cho phát triển.
 
Tại hội thảo, có ý kiến đề nghị đổi tên thanh "Luật Ban hành văn bản pháp luật" vì: Trong Hiến pháp năm 2013, có dùng cụm từ "văn bản pháp luật", đổi tên luật để phù hợp với Hiến pháp. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên lấy tên gọi “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Vì thời gian qua ta sử dụng tên Luật Ban hành VBQPPL và một số luật khác cũng dùng tên gọi là " Luật Ban hành VBQPPL" nên sửa đổi tên gọi sẽ gây tốn kém cho ngân sách nhà nước và không phù hợp với xu hướng hạn chế thẩm quyền và hình thức ban hành văn bản pháp luật như hiện nay; đồng thời sẽ dẫn đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, khiến hệ thống pháp luật quốc gia trở nên đồ sộ, cồng kềnh với nhiều tầng nấc hiệu lực và khiến cho việc thi hành trên thực tế khó khăn hơn.
 
Có đại biểu không đồng ý với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với việc quy định trình tự, thủ tục ban hành văn bản hành. Vì hiện nay, Quốc hội cũng đã quyết định xây dựng Luật ban hành quyết định hành chính (chỉ quy định về việc ban hành quyết định hành chính mà không phải tất cả các văn bản hành chính). Đại biểu nhận mạnh thêm trên quốc tế cũng chưa có quốc gia nào ban hành một một luật để điều chỉnh chung việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính.
 
Tán thành với quan điểm không mở rộng phạm vi điều chỉnh, nhiều đại biểu cho rằng nếu nhập hai đối tượng trên trong một luật thì sẽ khó hiểu, khó áp dụng vì đối tượng áp dụng chính của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là các cơ quan có thẩm quyền lập pháp, ủy quyền lập pháp (cơ quan nhà nước) còn đối tượng áp dụng chính của Luật ban hành quyết định hành chính là các cơ quan hành chính và tổ chức, cá nhân
 
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị mọi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều phải được công khai (trừ những ngoại lệ liên quan đến an ninh quốc gia) và mọi người dân đều có quyền và được tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến việc hình thành chính sách, soạn thảo văn bản.
 
Có đại biểu kiến nghị giao cơ quan chủ trì trình dự án luật, pháp lệnh có trách nhiệm bảo vệ, giải trình, chỉnh lý dự án luật từ khi xây dựng cho đến khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua vì sẽ đảm bảo được tính liên tục trong suốt quá trình xây dựng dự án , nâng cao tính chủ động và trách nhiệm theo đuổi đến cùng của cơ quan trình dự án luật và khi luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua dẽ dễ thi hành hơn vì tránh được tình trạng sau khi chỉnh lý có nội dung khác so với dự thảo mà các chủ thể có thẩm quyền đã trình gây khó khăn trong việc quy định chi tiết và tổ chức thi hành luật.

 

Đại biểu cho rằng không nên giao cho cấp xã thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì cấp xã là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật mà quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết; Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề mà luật, nghị quyết của Quốc hội giao ban hành.

 

 
Dự án Luật Ban hành VBQPPL là một luật rất quan trọng và được đánh giá là "luật của các luật". Dự thảo trình bao gồm 16 chương và 158 điều, sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến và biểu quyết thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây của Quốc hội.
Đức Nhuận