Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật NSNN (sđ)
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 khi đi vào cuộc sống đã phát huy mạnh mẽ tiềm năng đất nước, đảm bảo phát triển ngân sách nhà nước nhanh và vững chắc, trên cơ sở tăng quyền chủ động, trách nhiệm của địa phương và các Bộ, ngành trong việc quản lý tài chính - ngân sách được phân cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý ngân sách phù hợp với tiến trình cải cách hành chính Nhà nước…
Tuy nhiên, qua hơn 12 năm thực hiện, luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã bộc lộ một số hạn chế như quy định về phạm vi ngân sách chưa rõ ràng, việc quản lý các khoản phí, lệ phí chưa thống nhất; cách xác định bội chi NSNN chưa hợp lý. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các các cấp ngân sách địa phương (NSĐP) chưa phù hợp, Dự toán NSNN hàng năm chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn…
Quan điểm sửa đổi Luật NSNN là tuân thủ Hiến pháp 2013 theo đó ngân sách trung ương (NSTW) giữ vai trò chủ đạo, đổi mới phương thức quản lý NSNN phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường phân cấp quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý ngân sách; tăng cường giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, quản lý rủi ro…
Tại hội thảo, có ý kiến đề nghị các khoản thu phí, lệ phí nên nộp 100% váo NSNN vì chi phí cho việc thu và quản lý phí, lệ phí được thanh toán, chi theo tiêu chuẩn, định mức chung, cân đối trong dự toán và có mục riêng nên việc thanh toán và cấp phát các khoản kinh phí này không khó thực hiện.
Đại biểu đề nghị huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh nên chia ra làm 3 loại ngân sách tỉnh đó là tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn, điều tiết nhiều về NSTW và có nhu cầu chi đầu tư lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…có thể cho phép huy động bằng 80% vốn đầu tư XDCB hàng năm từ NSNN cấp tỉnh. Các tỉnh thành phố có thu điều tiết về NSTW khác thì được huy động tối đa 60%, các tỉnh được bổ sung cân đối NS từ NSTW thì chỉ được huy động tối đa 40%.
Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014), theo Chương trình thì dự án Luật sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2015) sau khi thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật tổ chức Chính phủ.
Đức Nhuận