Tiếp tục đề nghị báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề

Đăng ngày: 06/05/2015
​Đây là nội dung mà thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai liên tục đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền báo cáo làm rõ tại các kỳ họp Quốc hội, bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn góp ý một số nội dung vào chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm, làm rõ.

​    Để hỗ trợ cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng giám sát,  Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát thực thi pháp luật giữa 02 kỳ họp thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

    Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành bổ sung báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu một số vấn đề như: Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội; Kết quả đầu tư, nghiên cứu ứng dựng khoa học công nghệ trong nông nghiệp theo Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội; Báo cáo về cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị quyết số 87/2014/QH13 của Quốc hội; Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo Nghị quyết số 52/2013/QH13 và Nghị quyết số 87/2014/QH13 của Quốc hội; Báo cáo công tác quản lý quy hoạch, vận hành khai thác công trình thủy điện theo Nghị quyết số 26/2013/QH13 của Quốc hội; Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và lộ trình điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.

    Nhằm cải tiến chất lượng và phương thức điều hành thảo luận tại Hội trường khi thảo luận tình hình Kinh tế - Xã hội và Ngân sách Nhà nước , Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị xác định theo nhóm vấn đề trọng tâm (qua tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ) để gợi ý những vấn đề cần quan tâm thảo luận tại Hội trường (có tranh luận, phản biện) và bố trí cho Bộ, ngành giải trình, làm rõ trách nhiệm có liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao để Quốc hội xem xét, quyết định.
Về việc thực hiện nội dung giám sát chuyên đề tại kỳ họp, đề nghị quan tâm bố trí Bộ, ngành liên quan cùng đại biểu Quốc hội tranh luận làm rõ từng vấn đề, nhất là trách nhiệm cá nhân Bộ, ngành Trung ương, địa phương về " Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự…" nhằm tạo sự thống nhất cao cho Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết sau giám sát.
    Đức Nhuận