Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đăng ngày: 21/05/2015
​Bắt đầu ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 9, sáng 21/5/2015, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Báo cáo về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Báo cáo ý kiến về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Tờ trình dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Báo cáo thẩm tra dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

 

201505211014144013_DSC_7409 - CNUBPL Phan Trung Ly (580 x 387).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi),

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận các vấn  đề như phạm vi điều chỉnh của Luật, về tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), về về quyền và trách nhiệm của MTTQVN và thảo luận về về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN.

Có ý kiến đại biểu cho rằng cần quy định rõ trong Luật việc MTTQVN góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng, tuy nhiên có đại biểu lại tán thành việc dự thảo Luật không quy định vấn đề trên, vì cho rằng không phù hợp với nguyên tắc Đảng lãnh đạo MTTQVN được quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc MTTQVN góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân đối với hoạt động của Đảng. Cần có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết việc thực hiện sau đó mới thể chế hóa thành pháp luật. Do đó, UBTVQH đề nghị chưa quy định các nội dung này trong Luật.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh việc cần xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQVN là nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo MTTQVN. Đa số ý kiến thống nhất việc tổ chức MTTQVN theo 04 cấp: trung ương, tỉnh, huyện và xã vì thời gian qua hệ thống tổ chức của Mặt trận đã thực hiện ổn định và phát huy tốt vai trò của mình, được Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Phản biện xã hội của Mặt trận nhằm phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong dự thảo văn bản của Nhà nước, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, tính khả thi, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Tham gia cho ý kiến về nội dung phản biện xã hội của MTQVN, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn đối tượng, phạm vi, nội dung, hình thức, giá trị pháp lý, trình tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội. Cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý và trả lời sau phản biện; không nên quy định “khi có yêu cầu thì MTTQVN mới thực hiện phản biện xã hội.

 Đức Nhuận