Quốc hội thảo luận Dự án Luật phí và lệ phí; Dự án Luật Kế toán

Đăng ngày: 31/05/2015
​Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.

Qua 13 năm triển khai thực hiện, một số quy định của pháp lệnh phí, lệ phí không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đa số các đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí nhằm tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp​ và sử dụng phí, lệ phí.


IMG_8970 (500 x 333).jpg
ĐBQH Trương Văn Vở cho ý kiến về Dự án Luật phí và lệ phí

Đại biểu Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi có pháp lệnh phí và lệ phí (năm 2001) thì phải mất đến 4 năm sau Chính phủ mới có nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, chính sự chậm trễ này đã gây rất nhiều khó khăn trong việc thi hành pháp lệnh. Do đó, đại biểu đề nghị Dự án luật lần này phải căn cứ trên đánh giá tác động của chính sách trong thực tiễn, quy định rõ ràng các khoản nào cần loại bỏ, các khoản nào bổ sung và dự án luật sao cho đảm bảo được tính cụ thể, tránh quá nhiều điều khoản chờ quy định của Chính phủ, đồng thời, cần phải xác định rõ nguyên tắc xác định mức thu, mức miễn giảm, nguyên tắc quản lý thu nộp và sử dụng các khoản phí, lệ phí để có cơ sở phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, tránh tình các địa phương không rõ thẩm quyền nên đã "xé rào" thu không đúng quy định. Đại biểu Vở cũng đề nghị rà soát để loại bỏ tình trạng phí chồng phí và chi phí hành thu lớn hơn mức thu của một số loại phí, lệ phí như hiện nay.

Có đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ hệ thống quỹ mà thực tế người dân phải đóng góp vì thời gian qua, có nhiều khoản quỹ người dân vẫn phải đóng mà không thuộc quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, đã gây bức xúc cho xã hội.

Cho ý kiến về Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, các ý kiến đại biểu thống nhất quy định số thu từ lệ phí nộp toàn bộ (100%) vào NSNN, đối với chi phí tổ chức thực hiện thu lệ phí do NSNN đảm bảo. Đối với phí, đa số ý kiến đồng tình với quy định cơ quan thu phí được để lại một phần theo tỷ lệ (%) trên số phí thu được để trang trải chi phí cho tổ chức thu; phần còn lại nộp NSNN. Tuy nhiên, để đảm bảo rõ ràng, cụ thể cần căn cứ vào tính chất của từng loại phí để xác định số để lại cho phù hợp. Đồng thời, cần quy định cụ thể cơ chế quản lý, nội dung, nguyên tắc sử dụng khoản thu phí của tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện ngay trong Luật để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch. Có ý kiến khác đề nghị quy định ngay trong Luật toàn bộ các khoản thu phí được nộp 100% vào NSNN, các khoản chi cho tổ chức thu sẽ do NSNN đảm bảo và bố trí trong dự toán chi của các đơn vị.

Từ khi có hiệu lực đến nay, Luật Kế toán đã hình thành khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động kế toán, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, từng bước đưa công tác kế toán đi vào khuôn khổ và thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung, hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính nói riêng, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, nhiều vấn đề liên quan đến công tác kế toán chưa được điều chỉnh.

Dự thảo luật trình Quôc hội lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; bổ sung nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý, báo cáo tài chính nhà nước, kiểm toán nội bộ, hành nghề kế toán, cơ quan kiểm tra kế toán; sửa đổi quy định về các điều cấm,...

Đức Nhuận