Cho ý kiến Dự án Luật Trưng cầu ý dân

Đăng ngày: 04/06/2015
​Chiều 03/6, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tiếp tục với nội dung làm việc tại tổ, thảo luận Dự án Luật Trưng cầu ý dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Cho ý kiến Dự án Luật Trưng cầu ý dân, cơ bản các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân để kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) đề nghị Dự án luật phải thể hiện rõ khái niệm thế nào là trưng cầu ý dân, thế nào là lấy ý kiến nhân dân. Đại biểu cho rằng, chúng ta chỉ trưng cầu ý kiến nhân dân khi vấn đề vượt quá thẩm quyền quyết định của Quốc hội và nhằm nâng tầm pháp lý của vấn đề. Các nội dung khác, thường là chỉ lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân chứ không phải trưng cầu ý dân. Để những nội dung đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân phù hợp với thực tiễn, Đại biểu Vở cho rằng, trong báo cáo thẩm của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về đề nghị trưng cầu ý dân cần thể hiện rõ sự cần thiết của vấn đề và đánh giá tác động của chính sách trong thực tiễn.
IMG_9163 (500 x 333).jpg
Đại biểu Trần Văn Tư - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi thảo luận

Dự thảo luật quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Cho ý kiến nội dung này, các ĐBQH Đặng Ngọc Tùng, Trần Văn Tư - Đoàn Đồng Nai đề nghị mở rộng thêm một số chủ thể khác có quyền sáng kiến pháp luật cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này, đồng thời quy định rõ trong dự thảo luật các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân (như vấn đề thể chế chính trị, vấn đề biên giới, chiến tranh…)
Do thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội và nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội nên đại biểu Trần Văn Tư đề nghị Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.

Đức Nhuận