Đề nghị sớm xây dựng sân bay Long Thành

Đăng ngày: 04/06/2015
​Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 04-6, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về chủ trương xây dựng dự án này.

Cần thiết xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vì sự cấp thiết của dự án, sự phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng kinh tế và đáp ứng được tầm nhìn lâu dài trong phát triển ngành công nghiệp hàng không ở Việt Nam.
Duong Trung Quoc (500 x 332).jpg
ĐBQH Dương Trung Quốc đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một bộ phận của quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc đầu tư hạ tầng, giao thông kết nối... đều hướng về dự án này, mặt khác, vệc sử dụng đất của người dân sống trong vùng Dự án đã bị hạn chế do đã công bố quy hoạch từ hơn 10 năm qua, do đó, khi quyết định cân nhắc làm hay không làm dự án thì phải cân nhắc, xem xét đến hệ lụy của quyết định. Quan điểm của ĐBQH Dương Trung Quốc ủng hộ việc Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Trần Du Lịch - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thông qua chủ trương thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vì việc mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TSN) là bất khả thi với lý do sân bay TSN nằm trong khu vực nội thành, chung quanh là khu dân cư đông đúc, không thể có một sân bay quốc tế trong khu dân cư, mặt khác việc giải phóng mặt bằng trong khu dân cư này là không thể thực hiện, đặc biệt, việc mở rộng sân bay TSN không có trong quy hoạch đô thị thành phố Hồ CHí Minh. Theo đại biểu Trần Du Lịch, chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đúng đắn nhằm giảm sự quá tải cho sân bay TSN. Đại biểu cho rằng, việc thông qua chủ trương đầu tư là cấp thiết nhưng chỉ là bước đầu, Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải nghiên cứu phương pháp triển trai, thực hiện dự án ở các giai đoạn sau nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.
Nhiều đại biểu băn khoăn khi sân bay TSN hoạt động hết công suất vào năm 2017, trong khi khi sân bay Long Thành chưa xây dựng thì bài toán này sẽ giải quyết như thế nào, nhiều ý kiến đề nghị phải gấp rút khởi công xây dựng sân bay Long Thành, trước mắt là giai đoạn 1 của dự án, và rút ngắn chu kỳ thực hiện dự án ứng với từng giai đoạn để giảm tải sân bay TSN trong tương thời gian sắp tới.

Bài toán thu hồi đất
Sau khi rà soát lại Báo cáo đầu tư, Chính phủ đề xuất thu hồi 2.750 ha phục vụ trực tiếp cho Dự án ( thay vì 5.000ha bao gồm cả diện tích đất dành cho quốc phòng và đất dành cho các hạng mục khác). Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, ngoài nhu cầu đất trực tiếp dùng cho Dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng Ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng rất cần thiết, không nên tách rời Dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau. Theo ý kiến của Bộ Quốc phòng, các sân bay thường được thiết kế với vai trò lưỡng dụng (dân dụng và quân sự), Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, đáp ứng cả hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, người dân sống trong vùng quy hoạch Dự án đều mong Dự án sớm triển khai để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, UBTVQH đề nghị thu hồi đất 1 lần cho toàn bộ dự án với diện tích 5.000 ha.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch - Thành phố Hồ Chí Minh, không nên thu hồi đất 1 lần cho toàn bộ dự án mà nên tách ra thành 3 dự án đó là thu hồi 2.750 ha phục vụ trực tiếp cho Dự án, còn diện tích đất dành cho quốc phòng thì sẽ tiến hành thu hồi, giải phóng mặt bằng theo quy định Luật đất đai vì việc sử dụng đất cho mục đích quốc phòng sẽ là ưu tiên hàng đầu, là tất nhiên theo luật định, đất dành cho các hạng mục phụ trợ, khu công nghiệp hàng không, các công trình thương mại cũng nên thuộc dự án riêng biệt vì đại biểu cho rằng kinh phí để thu hồi đất một lần 5.000ha là rất lớn, chưa phù hợp trong tình hình kinh tế đất nước hiện nay.
Khác với quan điểm trên, qua trao đổi bên lề buổi thảo luận, ĐBQH Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai ủng hộ phương án thu hồi đất một lần 5.000ha, theo đó, cần tập trung bố trí vốn để thu hồi đất triệt để một lần, tránh tình trạng thu hồi đất qua nhiều giai đoạn vì sẽ dẫn đến tình trạng "giải tỏa trong giải tỏa" khi người dân sử dụng đất trong khu vực quy hoạch, sẽ càng gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho các giai đoạn tiếp sau của dự án.
Về vốn cho dự án, khái toán cho toàn bộ dự án là 336.763 tỷ đồng (tương đương 16,036 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng không nên để vốn ngân sách nhà nước chiếm tỉ trong quá lớn trong tổng vốn đầu tư mà cần tăng cường huy động vốn xã hội hóa để tránh gánh nặng tới ngân sách Nhà nước.
Về tác động của dự án đối với vấn đề nợ công, theo Bộ Tài chính đánh giá, trong các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công cao nhất là 0,28% GDP.
Đức Nhuận