Thảo luận Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Nên rõ quy định việc chuyển đổi giới tính

Đăng ngày: 10/06/2015
​Sáng 10-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định việc chuyển đổi giới tính là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

IMG_9307 (500 x 333).jpg
ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Nguyễn Công Hồng thảo luận Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Công Hồng - Đoàn Đồng Nai tán thành quan điểm Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng những trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định của Luật này. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định các quyền cho phù hợp đối với những người đã chuyển đổi giới tính trước thời điểm Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực.
Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Nhiều ý kiến cho đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới để bảo đảm tính thống nhất về chính sách pháp luật, do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ quy định này.
IMG_9310 (500 x 333).jpg
ĐBQH Nguyễn Văn Khánh tại buổi thảo luận

Theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh - Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thì chúng ta nên công nhận việc chuyển đổi giới tính vì thời gian qua, số lượng các vụ án liên quan đến đối tượng là người đồng đính, chuyển đổi giới tính tăng lên đáng kể, nguyên nhân có thể kể đến do họ không được xã hội công nhận, phải che đậy bản thân, diễn biến tâm lý phức tạp dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến tội phạm trong nhóm đối tượng này gia tăng ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Mặt khác, việc tạm giam, tạm giữ phục vụ công tác điều tra nhóm đối tượng này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay tại Đồng Nai, đối tượng chuyển đổi giới tính phải được giam riêng, điều này chính là một khó khăn trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, đa số các ý kiến tán thành việc sửa đổi Bộ Luật Dân sự cần phải tiếp tục tăng cường các cơ chế, biện pháp để bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Đại biểu Nguyễn Công Hồng cho rằng, cần làm rõ việc áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc dân sự trong mối quan hệ với quy định của Hiến pháp, theo đó, khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và làm rõ nội dung, cơ chế của việc áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử để bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả các đương sự tham gia vào quá trình tố tụng.
Đối với quyền nhân thân, tại Khoản 3 Điều 26 của Dự thảo luật quy định"không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái". Về quy định này, nhiều ý kiến cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết vì việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.  
Về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, Khoản 2 Điều 133 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có bổ sung quy định " Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, vật quyền khác mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu, người có vật quyền khác đối với tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác đối với tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa"

Đại biểu Nguyễn Công Hồng và nhiều đại biểu khác không đồng tình với quan điểm trên vì cho rằng, nếu chỉ chú trọng bảo vệ người thứ ba ngay tình thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, đặc biệt trong điều kiện hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay chưa thực sự hoàn thiện, đồng bộ thì việc căn cứ vào sự kiện quyền sở hữu và vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thể dẫn đến những khó khăn, bất cập trong thực tiễn. Hơn nữa, trong nội dung bổ sung nêu trên có hai giao dịch, nếu giao dịch thứ nhất đã vô hiệu, thì dù quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản có được đăng ký hay không thì giao dịch tiếp theo đó với người thứ ba cũng không thể được bảo vệ. Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người thứ ba ngay tình phải bằng cơ chế hoàn trả giá trị thanh toán tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.

 

Đức Nhuận