Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai vùng nông nghiệp công nghệ cao

Đăng ngày: 11/06/2015
​Sáng 11-6, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát.

b (500 x 333).jpg
ĐBQH Trương Văn Vở chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT


Chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ NNPTNT tại hội trường, Đại biểu Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh thì ngoài việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì giải pháp về chính sách hỗ trợ, xây dựng hạ tầng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là giống cây trồng chủ lực, phù hợp với từng vùng là rất quan trọng. Tuy nhiên, đến nay chính sách trên vẫn chưa được ban hành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời nội dung chất vấn này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NNPTNT đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng phê duyệt phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó có chính sách về hỗ trợ hạ tầng, đối với những khu nông nghiệp công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì lập đề án, Bộ NNPTNT thẩm định và ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tới 70%. Đối với các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì trên cơ sở dự án cụ thể, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các địa phương triển khai và sẽ phối hợp để giải quyết những vướng mắc cụ thể. Đây là vấn đề mà Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai.

a (500 x 359).jpg
Bộ trưởng Bộ NNPTNT trả lời chất vấn

Chất vấn thêm về vấn đề trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang làm thủy điện. Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng cho biết con số chính xác của diện tích phải trồng rừng thay thế cho diện tích rừng chuyển sang làm thủy điện vì số liệu trong các báo cáo của Bộ NNPTNT không thống nhất với nhau, đồng thời, đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của mình và cho biết giải pháp cũng như kết quả thực hiện cụ thể đến cuối năm 2015.
Trả lời nội dung chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, Quốc hội giao đến hết năm 2015 phải trồng lại rừng thay thế đối với diện tích chuyển sang làm các thủy điện đang vận hành là 15.165 ha. Diện tích trồng rừng thay thế cho các thủy điện đang xây dựng là 17.000 ha. Diện tích trồng rừng thay thế cho các hạng mục công trình hạ tầng khác có liên quan là 67.000 ha, trong đó có 24.000 ha phải trồng thay thế do làm đường, làm các công trình công cộng và việc này Chính phủ phải bỏ tiền ra để trồng lại.

Theo Bộ trưởng, hiện nay trên cả nước có 26 tỉnh cam kết hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015.  Bộ trưởng xác định trách nhiệm trồng rừng thay thế trước hết thuộc về doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì Bộ NNPTNT sẽ báo cáo với Bộ Công thương xử lý theo quy định pháp luật.
Đức Nhuận