Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện cải cách thể chế hành chính liên quan đến hoạt động của HĐND tỉnh

Đăng ngày: 19/06/2015
​Tại báo cáo về kết quả thực hiện chương trình cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 20145-2020, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện cải cách thể chế hành chính liên quan đến hoạt động HĐND tỉnh như sau:

​      Về quy trình xây dựng nghị quyết, còn tình trạng cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh xây dựng các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND còn chậm so với quy định, ảnh hưởng thời gian và chất lượng công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.

Nhiều trường hợp Sở, ngành tỉnh đăng ký bổ sung nội dung nhưng chưa trình được đề án, chưa làm rõ được đối tượng, phạm vi điều chỉnh nội dung… bổ sung nhưng do có tính cấp thiết nên kết quả vẫn được hội nghị liên tịch thống nhất, chấp thuận. Vì vậy nội dung bổ sung được chuẩn bị trong thời gian ngắn (khoảng 2 tháng trước ngày khai mạc kỳ họp). Do đó, thời gian để Sở Tư pháp thẩm định, UBND tỉnh xem xét, quyết định trình HĐND tỉnh cũng trong thời gian ngắn, ảnh hưởng đến chất lượng tài liệu trình HĐND.

 Việc xây dựng một số đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết có phạm vi tác động lớn, liên quan đến quyền lợi của nhiều đối tượng, cơ quan soạn thảo chưa chuẩn bị và tổ chức tốt việc khảo sát lấy ý kiến của nhân dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan, do đó khi báo cáo ra Hội nghị liên tịch để chuẩn bị cho chương trình kỳ họp thì không được Hội nghị liên tịch thông qua, buộc phải để lại đến kỳ họp sau.

Do hệ thống pháp luật thiếu ổn định, nhiều luật, văn bản dưới luật vừa được ban hành đã được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để quy định mới (ví dụ luật đất đai, các nghị định về phí và lệ phí…), dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung nghị quyết của HĐND tỉnh, tạo nên sự thiếu ổn định trong việc ban hành nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh.

 Mặt khác do đại biểu HĐND, thành viên của các Ban đa số hoạt động kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian  nghiên cứu đề án, tờ trình và các văn kiện của kỳ họp, vì thế công tác thẩm tra chủ yếu là do các trưởng, phó chuyên trách các Ban thực hiện. Tại kỳ họp, do thời gian đại biểu tiếp cận với đề án, tờ trình quá ngắn nên cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện chức năng quyết định khi biểu quyết thông qua các nghị quyết kỳ họp.

Kim Chung​