Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Đăng ngày: 24/10/2015
​Chiều ngày 21/10/2015, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tham gia phát biểu về Dự án luật, đại biểu Trương Văn Vở  - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự án luật này trước khi Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét một số vấn đề cụ thể trong dự án Luật.

1 (Copy).JPG

Đại biểu Trương Văn Vở phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã cụ thể hóa được yêu cầu chung đặt ra từ thực tiễn đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát bổ sung để thể hiện rõ thêm về đổi mới phương thức hoạt động giám sát theo hướng hoạt động giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với những bức xúc từ thực tiễn, thực thi chính sách pháp luật đang đặt ra và bảo đảm tính tuân thủ pháp luật của chủ thể giám sát và chủ thể chịu sự giám sát. Cần quy định rõ thêm về trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, cũng giống như một số đại biểu trước đây đã có ý kiến đề nghị việc này.

Theo đại biểu Trương Văn Vở, dự án Luật phải bảo đảm tính thực tiễn trong hoạt động giám sát, theo đó cần bổ sung quy định ngoài việc tiếp cận với báo cáo của các chủ thể chịu sự giám sát liên quan đến nội dung hoạt động giám sát còn phải quy định thực hiện việc khảo sát, giám sát thực tế, có nghĩa là phải gắn giữa nghe và nhìn nhằm khắc phục  tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa" trong hoạt động giám sát.
Cho ý kiến về kết quả, hiệu quả pháp lý sau giám sát chuyên đề và giám sát sau chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Vở đề nghị rà soát, chỉnh lý lại theo hướng quy định rõ và thể chế hóa bằng luật một cách nhất quán trong luật việc ban hành nghị quyết sau giám sát, không nên quy định là có thể hoặc khi xét thấy cần thiết để ban hành nghị quyết sau giám sát như dự án luật đã quy định vì như vậy sẽ mang tính chất tùy nghi, khó tổ chức trong thực tiễn hoạt động giám sát.
Theo đại biểu Trương Văn Vở, cần rà soát, bổ sung quy định về quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội với các chủ thể liên quan, nhất là thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương trong tổ chức hoạt động giám sát ở địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát ở địa phương.
Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 lần này.
Đức Nhuận