Sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp. Để đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, Nội quy kỳ họp đã được sửa đổi và được các đại biểu cho ý kiến trước khi biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này.
Đối với quy định về hình thức biểu quyết tại phiên họp toàn thể, đại biểu Dương Trung Quốc - Đoàn Đồng Nai đề nghị công bố rõ danh tính đại biểu khi tham gia biểu quyết bằng hình thức điện tử vì đại biểu cho rằng việc biểu quyết bằng điện tử là một bước ứng dụng công nghệ thông tin trong biểu quyết nhưng không có nghĩa là hình thức biểu quyết kín. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, từ trước đến nay, về bản chất, chúng ta chỉ có hai hình thức biểu quyết đó là bỏ phiếu kín và công khai, biểu quyết bằng điện tử là hình thức tiến bộ của biểu quyết bằng cách giơ tay - một hình thức biểu quyết công khai và chỉ khi nào công khai danh tính người biểu quyết trong biểu quyết điện tử thì mới nâng cao trách nhiệm, thế hiện rõ quan điểm của người biểu quyết và giúp cử tri có thể theo dõi tình hình hoạt động của đại biểu.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho ý kiến về hình thức biểu quyết tại kỳ họp
Theo nội quy kỳ họp, tại phiên họp toàn thể, các đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung về nội dung của phiên thảo luận, không phát biểu quá hai lần về cùng một vấn đề và thời gian phát biểu lần thứ nhất không quá 07 phút, lần thứ hai không quá 03 phút. Có ý kiến đề nghị nên hạn chế số câu hỏi trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, cụ thể trong phần điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa chỉ nên mời 02 đại biểu và mỗi đại biểu chỉ đặt không quá 02 câu hỏi với nội dung trọng tâm, thẳng vấn đề nhằm giảm áp lực cho người được chất vấn, giúp người được chất vấn nắm kỹ nội dung câu hỏi, từ đó có cơ sở làm rõ và giải quyết triệt để vấn đề được nêu ra. Theo các đại biểu thì hiện nay, số đại biểu và số câu hỏi đặt ra trong một lượt chất vấn là quá nhiều, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời khó nắm hết được nội dung câu hỏi và từ đó chất lượng trả lời chất vấn cũng không cao.
Nhiều đại biểu đề nghị Nội quy kỳ họp phải có một Điều quy định về phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội và có quy định về quy trình tổ chức bầu cử của Hội đồng bầu cử Quốc gia để làm cơ sở pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc bầu cử trong kỳ đại hội sắp tơi đây.
Cho ý kiến về nội dung đảm bảo trật tự tại kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ quy định đối với từng nhóm đối tượng (ĐBQH và cá nhân), từng nhóm đối tượng phải có những quy định thật rõ ràng, cụ thể chứ không quy định gộp chung như trong dự thảo Nội quy kỳ họp vì như thế sẽ gây khó khăn khi áp dụng vì ngoài ĐBQH thì có thể có nhiều đối tượng khác cùng tham gia tại các kỳ họp như khách mời dự thính, phóng viên báo chí, người dân...
Cũng trong buổi chiều 27/10, các vị ĐBQH cũng thảo luận về Dự án Luật quân dân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức Quốc phòng xoay quanh các nội dung như: Vị trí, chức năng, quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Tuyển chọn, tuyển dụng, xếp loại, nâng loại, chuyển vị trí chức danh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Về cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp và các vấn đề về hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp và chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng...
Đức Nhuận