Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Quốc hội thảo luận về dự án các Luật thuế

Đăng ngày: 29/10/2015
​Chiều 29/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII tiếp tục với nội dung làm việc tại Tổ thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật quản lý thuế và Dự án Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

Cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần phải bổ sung các giải pháp chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ sản phẩm nông sản; khuyến khích hợp lý xuất khẩu; ngăn chặn tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT; đồng thời tiếp tục giảm thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp thuế và hoàn thuế GTGT chưa hợp lý. 

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn Đồng Nai đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT phải làm rõ cơ sở, căn cứ pháp lý trong việc miễn trừ và bù trừ thuế GTGT vì hiện nay việc miễn trừ và bù trừ thuế còn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mở rộng đầu tư trên cùng một địa bàn. Quy định việc không hoàn thuế đối với dự án đầu tư mở rộng tại cùng địa bàn tỉnh, thành phố với dự án ban đầu là không đảm bảo ý nghĩa của hoàn thuế là tạo điều kiện về vốn cho nhà đầu tư và gây nên sự không công bằng với dự án đầu tư mở rộng nhưng khác địa bàn tỉnh, thành phố với dự án ban đầu.
IMG_20151029_142453 (Copy).jpg
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Có ý kiến đề nghị đề xuất chuyển các đối tượng như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua chế biến thông thường kể cả do tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra, ở khâu nhập khẩu, khâu kinh doanh thương mại thành đối tượng không chịu thuế vì đây là các sản phẩm bán cho cá nhân hoặc tổ chức thực sự tiêu dùng, nếu vẫn chịu thuế GTGT thì rất phức tạp, có thể vẫn xảy ra tình trạng lách thuế. Hơn nữa, việc tách ra áp dụng thuế GTGT theo đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ là vi phạm nguyên tắc của thuế GTGT.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), các đại biểu cho rằng cần thiết phải sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô và sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; sửa đổi giá tính thuế đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán cho cơ sở thương mại để bảo đảm chính sách minh bạch.
Cho ý kiến về công tác quản lý thuế, các đại biểu thống nhất cho rằng cần xử lý những khoản nợ thuế của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), doanh nghiệp cổ phần để góp phần thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN; đồng thời, cần bổ sung quy định miễn nộp thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thấp để giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho cơ quan thuế tập trung lực lượng để quản lý có hiệu quả các nguồn thu ngân sách.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị có quy định biện pháp xử lý các trường hợp chậm nộp thuế do lỗi ở cơ quan quản lý nhà nước (thủ tục hành chính chậm chạp, lỗi ở các thiết bị máy tính...)  Vì hiện nay, trong dự thảo luật chỉ đề cập đến tình trạng chậm nộp thuế do lỗi chủ quan của doanh nghiệp mà chưa đề cập đến các nguyên nhân chậm nộp do điều kiện khách quan, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc - Đoàn Đồng Nai, trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay, các luật về thuế phải đảm bảo được nguyên tắc tạo hành lang pháp lý trong công tác thu, nộp thuế, bên cạnh đó, cần phải có quy định mở để năng động, thích ứng với sự phát triển của thời đại.
Đối với Dự án Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi), các đại biểu trong tổ thảo luận góp ý về phạm vi sửa đổi, thời hạn nộp thuế, thẩm quyền ban hành biểu thuế và thuế suất, về áp dụng thuế phòng vệ thương mại và các vấn đề xung quanh việc miễn thuế.
Hôm nay, Quốc hội sẽ dành một ngày thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Đức Nhuận