Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Đăng ngày: 01/11/2015
​Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, ngày 30/10, các vị ĐBQH nghe Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân, Báo cáo của thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại Hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án bộ luật này.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đại biểu Vở cho rằng dự án luật đã quan tâm bổ sung, nhiều nội dung từ ý kiến góp ý của Nhân dân, của các đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 9, kể cả Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Để góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này thì còn có một số vấn đề cần được phải quan tâm, điều chỉnh.
DSC_5985 (Copy).JPG
ĐBQH Trương Văn Vở phát biểu tại buổi thảo luận

 Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị bổ sung quy định chủ thể tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tội gian lận bảo hiểm y tế đối với pháp nhân. Bởi vì pháp nhân là đơn vị sử dụng lao động, là cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong thực tế đã xảy ra các hành vi phạm tội trong khu vực này.

Về quy định số tiền bị chiếm đoạt trong cấu thành tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tại Điều 215 của dự thảo luật, quy định mức tiền gian lận từ 5 triệu đến dưới 100 triệu mới bị xử lý hình sự với hình phạt tù, đại biểu Vở cho rằng quy định như thế là không tương xứng với dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở Điều 174 của dự thảo luật vì thực chất các hành vi gian dối, lập hồ sơ giả, làm sai lệnh nội dung của hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm là có dấu hiệu của tội lừa đảo.
Theo đại biểu Vở cần quy định lại mức tiền chiếm đoạt và mức hình phạt nhằm bảo đảm tính khả thi đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở Điều 215 theo hướng, nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đến dưới 50 triệu thì bổ sung thêm mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nâng mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đồng thời bổ sung tình tiết tăng nặng đối với hành vi dùng thủ đoạn xảo huyệt gây hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị nâng mức khung hình phạt tối đa có thể lên đến 15 năm trong trường hợp mức tiền bảo hiểm chiếm đoạt từ 500 triệu trở lên hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Cho ý kiến về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, nếu quy định việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định pháp luật từ 15 héc ta trở lên với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến khung cao nhất là 3 năm là không đủ sức phòng ngừa. Đại biểu Vở đề nghị quy định lại mức độ vi phạm về đất rừng từ 1 héc ta trở lên và xác định đây là loại tội phạm nguy hại lớn cho xã hội, kể cả việc bổ sung quy định tình tiết tăng nặng, đó là dùng thủ đoạn xảo quyệt gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến bảo vệ phát triển rừng.
Là một điểm mới nhằm giải quyết bức xúc trong nhân dân, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này đã quy định các hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Cho ý kiến về quy định này, Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị cân nhắc, xem xét để có những quy định thật cứng rắn, đủ sức răn đe để người thực thi công vụ không muốn, không thể, không dám tiêu cực, tham nhũng liên quan đến hành vi này.

 

 Đức Nhuận.