Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Đăng ngày: 04/11/2015
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, chiều 02/11, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016. Phó chủ tịch QUốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận. ​

Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2015 và giai đoạn 5 năm từ năm 2011 đến năm 2015 trình tại kỳ họp. Qua báo cáo cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình chung của KT-XH nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ trình  trước Quốc hội.

Để đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là năm 2016 - năm tiền đề cho cả kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2020, theo đại biểu Trương Văn Vở thì Chính phủ cần quan tâm, giải trình rõ hơn nguyên nhân việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa định hình rõ nét theo mục tiêu tổng quát của nghị quyết Quốc hội.
DSC_7319 - DB Truong Van Vo - Dong Nai - KTXH rez.jpg
ĐBQH Trương Văn Vở phát biểu tại phiên thảo luận

Theo đại biểu Vở thì thời gian qua, nền kinh tế có phục hồi tăng trưởng nhưng thiếu vững chắc, đây chính là trở lực thách thức lớn trước bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng thể hiện ở hiệu quả đầu tư thấp, tốc độ tăng nợ công bình quân 5 năm gần hai con số, trong khi tăng GDP bình quân 5,88%. Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của nhà nước còn rất lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính thấp, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn ít, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ và hình thành quá ít các mô hình tổ chức liên kết sản xuất trong nông nghiệp phù hợp.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý điều hành thực hiện mục tiêu nhiệm vụ KT-XH ngay từ năm 2016, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Quốc hội và Chính phủ kịp thời cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đi đôi với việc sớm ban hành tiêu chí, cơ cấu phân bổ nguồn lực cho khoa học, công nghệ nhằm góp phần thực hiện cho việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp; tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục về chậm xử lý tồn tại, hạn chế về triển khai đề án liên kết hợp tác trong nông nghiệp, về cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013 của Chính phủ, kể cả việc chậm hoàn thiện cơ chế khoán rừng, bảo vệ rừng.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị tiếp tục xác định lộ trình thực hiện mục tiêu hàng năm để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đến năm 2020 và kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH. Bên cạnh đó, đại biểu Vở còn đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt so với kế hoạch đề ra (51,6% so với 55% kế hoạch), giải trình rõ vì sao chậm hoàn thành quy hoạch mạng lưới cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến 2020 và đề án đặt hàng dạy nghề như yêu cầu của Quốc hội đặt ra từ kỳ họp thứ sáu đến nay, kể cả triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật giáo dục nghề nghiệp, hiện nay còn tồn đọng 12 văn bản dưới luật.
Phát biểu ý kiến về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Chính phủ sớm thể chế hóa Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, về nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn liền với tăng cường hoạt động thanh kiểm tra đạo đức công vụ, đánh giá cán bộ, công chức hàng năm và tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế theo Nghị quyết của Quốc hội và các nghị định của Chính phủ đã ban hành nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức vô cảm với nhân dân và xa dân có xu hướng lan rộng và hiện tượng nói nhưng chưa đi đôi với làm như hiện nay.

Đức Nhuận.